Giữa những vách núi đá đen lạnh lẽo, giữa những con đường đèo uốn khúc và hiểm trở nhất Việt Nam, những bông hoa hồng, hoa tulip,… vẫn vươn lên khoe vẻ đẹp kì diệu hiếm có ở núi rừng cao nguyên.

15:28 12/03/2018

Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang luôn khiến con người choáng ngợp với vẻ đẹp kỳ vĩ, bao la như một bản hùng ca. Khi nhắc đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này, ngoài hoa tam giác mạch, núi đá sừng sững, những cung đường đèo cheo leo, dòng sông Nho Quế chảy giữa 2 ngọn núi hùng vĩ thơ mộng, người ta còn nhớ đến những đóa hoa tràn đầy sức sống, nở sáng bừng trên núi đá đen.

Những đóa hoa trên núi đá đen đó là sự nỗ lực suốt hơn một năm qua của anh Ma Hoành Sơn (dân tộc Tày) – một người con sinh ra và lớn lên tại Hà Giang - mảnh đất vẫn còn nhiều nghèo khó, với mong muốn mang một Hà Giang khác lạ hơn, rực rỡ hơn đến với du khách.

 Anh Sơn xây dựng vườn hoa trên quả đồi đối diện với điểm dừng chân Mã Pì Lèng.

Người đầu tiên thổi hương sắc vào quả đồi khắc nghiệt

Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, luôn muốn mang đến sức sống mới cho quê hương mình, anh Ma Hoành Sơn đã quyết định xây dựng vườn hoa trên ngọn đồi đối diện điểm dừng chân Mã Pì Lèng để mang đến một cảm nhận khác về quê hương mình dưới góc nhìn của những du khách.

Thực hiện dự định này, anh đã dành 3 tháng trời để nghiên cứu đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng và những giống hoa phù hợp với quê hương. Và đến đầu năm 2017, anh đã bắt tay vào hoàn thiện dự định ấp ủ bấy lâu.

Anh trồng hơn 1000 củ hoa tulip nhưng chỉ sống 300 cây.

“10 năm làm lữ hành, dẫn khách đi tham quan, mình nhận ra điểm dừng chân ở đó có nhiều cảnh đẹp nhưng không khai thác hết. Hơn nữa, công việc dẫn du khách của mình có rất nhiều điều chia sẻ nhưng bản thân cao nguyên đá không đẹp hơn cũng sẽ khiến điều mình nói trở nên đơn điệu, dần mai một.

Nếu cứ mãi không đổi mới rồi du khách sẽ chán nên mình đã thuê quả đồi trước mặt bỏ hoang, chỉ trồng ngô để trồng hoa. Từ đó, du khách có thêm một địa điểm mới ngắm cảnh và mang lại một góc nhìn khác về cao nguyên đá.

Một vấn đề nữa là người dân Hà Giang rất thích bắt chước, học hỏi nhau nên mình là người đầu tiên dám trồng hoa trên đó, hy vọng mọi người thấy đẹp sẽ bắt chước để >làm đẹp cho mảnh đất Hà Giang”, anh Sơn chia sẻ.

Chỉ đơn giản muốn mang một cái nhìn khác mới lạ về Hà Giang, anh Sơn bắt tay vào thực hiện niềm đam mê và nhiệt huyết luôn chạy rực lửa trong mình. Anh đầu tư 500 triệu và tự "thử thách" mình với quả đồi rộng 800m2 khi trồng những loài hoa khó chăm sóc trên những vách đá cheo leo như hoa hồng, hoa tulip, hoa dạ yến thảo,…

Những bông hoa nở mang một vẻ đẹp khác của vùng núi đá Hà Giang.

Anh Sơn bảo, anh đã từng bị rất nhiều người cản trở và cho rằng ý tưởng của mình “điên rồ”, thậm chí nhiều người còn thắc mắc tại sao bỏ tiền vào chỗ chưa chắc thu lại được gì. Thế nhưng, anh vẫn không nản lòng, quyết tâm thực hiện khu vườn hoa trên đá đặc biệt này.

Hiện tại, khu vườn của anh đang rực sắc hoa của mộc thảo xoắn kép, dạ yến thảo, hoa tulip, tam giác mạch, hồng cổ SaPa, hồng cổ Hải Phòng và một số loại hồng ngoại. Khu vườn của anh không chỉ khiến người dân ngạc nhiên mà còn khiến du khách vô cùng thích thú với sự khác biệt này của cao nguyên đá.

Sắc hoa hồng rạng rỡ hòa cùng làn sương mây trên núi mang đến một vẻ đẹp mới lạ.

Không nản lòng trước những thất bại

Kể về quá trình xây dựng vườn hoa trên đá, anh Sơn cho biết, mới đầu anh khá vất vả với việc tiếp nhận khu núi đá đầy cỏ này. Anh phải đầu tư 20 khối đất, đá mỗi loại rồi thuê người dân phát cỏ, đổ đất vào từng hốc đá và dùng đá kè giữ đất.

Chưa dừng lại ở đó, anh đã dành 3 tháng để nghiên cứu việc trồng những giống hoa trên núi đá này. Anh Sơn kể, thời gian đầu, anh đầu tư bao nhiêu đều bị chết gần hết bởi sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây. Chính bởi vậy, đầu tư khoảng 500 triệu cho dự định này nhưng có lẽ tính đến mức độ thành công mới chỉ đạt 1/3.

Hoa hồng ngoại rất khó trồng. 

“Mình trồng hoa từ tháng 3/2017, đến nay gần một năm rồi. Nói chung vẫn còn nhiều gian nan và vất vả lắm. Để thực hiện dự định táo bạo này, mình đã phải mất rất nhiều. Và từ nay đến mấy năm nữa, chi phí mất còn nhiều hơn nữa bởi tất cả với mình vẫn là thử nghiệm để lấy kinh nghiệm”, anh Sơn tâm sự.

Theo anh Sơn, khó khăn nhất đối với anh khi xây dựng vườn hoa này chính là việc mang đất và đá, cây lên. Hơn nữa, việc vận chuyển số đất, đá lớn lên độ cao 20m với đường núi đá, chỉ bằng chiếc gùi của người H’Mông không phải là điều dễ dàng.

Ngoài ra, với điều kiện khắc nghiệt của quả đồi, nắng, sương mù, gió lạnh thường xuyên khiến cho công việc càng khó khăn hơn. Đã có lúc, những điều kiện khách quan đó khiến anh mệt mỏi.

Điều kiện khí hậu ở Hà Giang không thuận lợi cho các loại hoa như hoa hồng, dạ yến thảo,...

“Quả đồi này quá khắc nghiệt, chỉ tưới nước 15 phút mặt đất đã khô luôn, buổi sáng hanh khô, buổi tối sương mù đất lại ẩm tạo điều kiện nấm sâu bệnh phát triển. Chính bởi vậy những loại hoa mình trồng giờ chỉ giữ được 1/3.

Hoa tulip mình trồng 1000 cây nhưng chỉ được 300 cây sống mặc dù đã chăm sóc rất kỹ lưỡng, xử lý củ, ngâm thuốc chống nấm, bón phân định kỳ.

Hoa dạ yến thảo đầu tư hơn 70-80 triệu cũng bị lụi sạch. Hoa hướng dương phát triển tốt nhưng thời tiết gió to nên thường bị gãy thân, bông to không đều.

Hay 1000 cây hoa hồng nội và hồng ngoại trị giá hơn 100 triệu mình trồng đến nay cũng chỉ còn vài trăm cây hồng cổ SaPa, hồng leo, hồng cổ Hải Phòng. Hầu hết những cây hoa hồng ngoại cho hoa đẹp, màu sắc rực rỡ đều không thể sống được ở mảnh đất địa đầu Tổ Quốc này.

Hoa mộc thảo, dạ yến thảo hay loại cây thân cỏ theo thời gian không thể sống được bởi khu vực này gần như đồi trọc cực kỳ nắng. Đặc biệt, tháng 6,7 mưa nhiều đất xói cũng chết rất nhiều cây”, anh Sơn cho biết.

Hoa hướng dương phát triển khá tốt nhưng do trên đồi gió to nên cây hay bị gãy.

Mặc dù mỗi lần trồng gần như thất bại một nửa nhưng anh Sơn tâm sự, anh không nản lòng bởi “thất bại là mẹ thành công” và bởi chính đam mê của anh dành cho hoa và mảnh đất Hà Giang. Dẫu chăm hoa "khó hơn chăm vợ, chăm con" nhưng anh vẫn rất vui và tự hào vì sự cố gắng của mình đã mang thành công nhỏ trong bước đi đầu đầy táo bạo.

Theo Hồng Nhung/Eva/Khám phá