Thời gian gần đây, người dân sống trong các khu chung cư phát hiện nước có màu khác lạ, cặn bẩn, gây bất tiện trong sinh hoạt

Ánh Kiều (t/h) 12:06 20/04/2023

Theo thông tin từ báo Dân trí, từ cuối tháng 3, trong một lần xả nước vào chậu chuẩn bị tắm cho con gái 2 tuổi, chị Nguyễn Ngọc My (28 tuổi, cụm nhà HH2, chung cư Xuân Mai Complex, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) phát hiện nước có dấu hiệu vẩn đục, lắng cặn. Sau đó, chị chị dùng bông y tế bọc đầu vòi nước kiểm tra, sau vài phút miếng bông đã chuyển đen, nhiều cặn bẩn. Thấy vậy, gia đình chị lập tức đưa con về quê với ông bà vì da bé nhạy cảm, dễ nổi mẩn ngứa đến khi ổn mới đón con lên để đi học.

ư dân tại cụm nhà HH2, chung cư Xuân Mai Complex phản ánh nước cặn bẩn gần một tháng qua - Ảnh: Báo Dân trí

Tương tự, chị Phan Linh (29 tuổi) lo lắng, mua bình nước tinh khiết loại 20 lít để nấu ăn, tắm rửa cho hai con trai (2 và 5 tuổi). Do không đủ khả năng tài chính, họ tính toán chỉ dùng nước bình để nấu ăn, các sinh hoạt còn lại thì "cắn răng" dùng nước bị cặn.

Sau khi tiếp nhận thông báo, Ban Quản lý tòa nhà đã lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm, cho thấy có nồng độ nitrat (hóa chất độc hại có thể gây tổn thương nội tạng, ngộ độc) là 2,53 mg/l, vượt gần 5 lần so với tiêu chuẩn 0,53mg/l. Một số hộ khác khi được lấy mẫu xét nghiệm độc lập, cũng cho kết quả nitrat hoặc nitrit cao hơn thực tế.  

Bể ngầm 600 m3 của chung cư trong tình trạng cạn do thiếu nước - Ảnh: Báo Dân trí

Ngày 22/3, ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng Ban Quản lý cụm nhà HH2 cho biết đã tiếp nhận phản ánh của hơn 10 hộ dân về việc nước vẩn đục, cặn bẩn. Đơn vị đã phối hợp với Ban Quản trị tòa nhà, UBND phường Yên Nghĩa, Công ty nước sạch Hà Đông cùng kiểm tra, giải quyết sự cố.

Đồng thời, Ban Quản trị chung cư cũng chủ động làm các xét nghiệm nước độc lập tại những căn hộ phản ánh, kết quả cho thấy các chỉ số nitrat, nitrit, mangan vượt ngưỡng tiêu chuẩn.

Đến ngày 25/4, số lượng hộ dân phản ánh nước ô nhiễm bắt đầu gia tăng, chiếm 30-40% trong tổng số hơn 1.700 hộ. Một số cư dân cho hay "nước đen sì, ngả vàng, đã có trường hợp bị mẩn đỏ".

Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Đông, sản lượng nước cung cấp từ sông Đà, sông Đuống thiếu hụt 20-30% so với nhu cầu thực tế. Để cung ứng đủ nước cho chung cư Xuân Mai Complex, đơn vị liên tục phải đóng mở van điều tiết, khiến tăng áp lực nước va vào thành ống, làm bong các cặn bẩn ở trong và có thể theo nguồn nước về các căn hộ.

Cư dân dùng bông y tế bọc đầu vòi nước kiểm tra, sau vài phút miếng bông đã chuyển đen, nhiều cặn bẩn - Ảnh: Báo Dân trí

Đơn vị này cho rằng, chung cư này đã đi vào hoạt động 5 năm nhưng chưa thổi xả các trục ống dẫn nước cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm. Ông khuyến cáo người dân nên mở vòi nước trong 30 giây để xả cặn, sau đó có thể sử dụng bình thường.

Ngày 17/4 vừa qua, công ty đã tiến hành thổi rửa hệ thống đường nước dẫn đến các bể chứa của tòa nhà, để người dân an tâm sử dụng nước.

Một số xét nghiệm độc lập của cư dân có chỉ số mangan, nitrit, nitrat cao bất thường, vị này cho rằng cần căn cứ vào thời điểm lấy mẫu cũng như cơ sở hạ tầng. Khi tất cả yếu tố về đường ống, bể chứa đạt chuẩn, việc xét nghiệm nguồn nước có an toàn hay không mới chính xác.   

Trước đó, theo thông tin từ báo Lao động, người dân chung cư Hòa Phát (quận Hoàng Mai, Hà Nội), người dân liên tục chứng kiến nước sinh hoạt có tình trạng vẩn đục, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Dù đã phản ánh nhiều lần đến chủ đầu tư, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Nước sinh hoạt có hiện tượng màu vàng, nhiều cặn bẩn - Ảnh: Báo Lao động

 

Ánh Kiều (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe