Trong bối cảnh cả nước mỗi ngày ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới COVID-19, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người dân khi đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang để phòng, chống dịch.
Các trường hợp cụ thể áp dụng đeo khẩu trang
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký công văn hỏa tốc về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị chỉ đạo, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn tại Quyết định số 2447 của Bộ Y tế.
Theo đó, người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 bắt buộc phải sử dụng khẩu trang.
Tất cả mọi người, trừ trẻ em dưới 5 tuổi, khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4, cũng phải đeo khẩu trang. Hiện tất cả tỉnh thành ở Việt Nam vẫn đang ở cấp độ dịch 1 - màu xanh.
Tại cơ sở y tế, nơi cách ly y tế, nơi lưu trú có người cách ly hoặc giám sát y tế, tất cả phải đeo khẩu trang, trừ những người cách ly ở trong phòng đơn, người bị suy hô hấp, người đang phải thực hiện thủ thuật y tế, trẻ em dưới 5 tuổi.
Hà Nội khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng (Ảnh: Hoàng Hà)
Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, quy định bắt buộc đeo khẩu trang áp dụng với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện; người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, khi tiếp xúc với hành khách.
Tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, >làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay), nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc với khách hàng cũng phải đeo khẩu trang.
Quy định này cũng áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người, nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.
Các trường hợp khác được khuyến khích sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Không đeo khẩu trang có bị phạt không?
Theo Luật sư Hoàng Tuấn Vũ, mặc dù trước đó đã có đề xuất coi Covid-19 là bệnh lưu hành nhưng theo Bộ Y tế đây vẫn chưa được coi là bệnh lưu hành mà đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững.
Do đó, khi Covid-19 vẫn thuộc danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A thì theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT, những địa điểm và đối tượng nêu trên phải đeo khẩu trang. Nếu không đeo thì vẫn bị xem là vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Xử phạt hành chính
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 2 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP, người nào không đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế… để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh thì có thể bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng.
Chịu trách nhiệm hình sự
Không chỉ bị xử phạt hành chính, trong trường hợp nguy hiểm hơn, làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm: Làm lây lan dịch bệnh cho người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đưa/cho phép đưa động vật, thực vật, sản phẩm động thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền Covid-19 cho người ra khỏi vùng có dịch.
+ Đưa/cho phép đưa động vật, thực vật, sản phẩm động thực vật hoặc vật phẩm khác mang mầm bệnh hoặc bị nhiễm bệnh vào lãnh thổ Việt Nam.
+ Hành vi khác làm lây lan dịch Covid-19.
- Phạt tù từ 05 - 10 năm:
+ Khiến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch.
+ Làm chết người.
- Phạt tù từ 10 - 12 năm:
+ Khiến Thủ tướng phải công bố dịch.
+ Làm chết 02 người trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 - 05 năm.