Hàng loạt gia đình tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An lâm cảnh "tán gia bại sản" sau khi nhóm người cầm đầu đường dây huy động vốn quy mô lớn tuyên bố "bể nợ".
- Người phụ nữ ở Hà Nội 'bốc hơi' gần 3 tỷ đồng trong tài khoản khi cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo
- Tình tiết bất ngờ trong vụ sát hại bạn gái trong nhà nghỉ: Nghi phạm chưa ly hôn với vợ và có 3 đứa con
Những ngày này, thông tin đường dây "tín dụng đen" hàng trăm tỷ đồng tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều làng quê vốn yên bình tại huyện Quỳnh Lưu "dậy sóng".
Rất nhiều gia đình lâm cảnh khánh kiệt, "sống dở chết dở" khi gia sản tích cóp cả đời trong phút chốc nguy cơ cao "trôi theo dòng nước" sau tuyên bố lạnh lùng của những người cầm đầu đường dây huy động vốn: "Không còn khả năng trả nợ"!
Đêm 18/10, hàng trăm người dân địa phương mang theo loa tới trước cổng nhà bà B.T.N. (SN 1968, trú thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long) hò hét, phát nhạc đám ma... với hy vọng mong manh lấy lại được tiền.
Người dân cho biết, bà N. là một trong những người cầm đầu đường dây tín dụng đen vừa tuyên bố vỡ nợ. Mặc người làng gào thét trong tuyệt vọng, cánh cổng sắt kiên cố nhà bà N. vẫn "cửa đóng then cài". Bế tắc, hàng trăm người dân di chuyển đến nhà bà T.T.H. (SN 1967, trú xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long), một đầu mối khác trong đường dây gần đó, nhưng vẫn không có kết quả.
Những nạn nhân khốn khổ cho hay, đường dây huy động vốn quy mô lớn này do một nhóm người có họ hàng tại địa phương cầm đầu. Họ huy động số tiền lên đến hàng trăm tỷ trong dân, với chiêu trả lãi suất vượt trội hơn ngân hàng, lại hết sức đều đặn khiến hàng loạt người dân sập bẫy. Không ít người trong số này có gia cảnh hết sức khốn cùng.
Bà Bùi Thị Trọn (74 tuổi, trú xã Quỳnh Long) chồng mất, thân già gắng gượng nuôi người con trai mắc bệnh tâm thần. Vài năm trước, cảnh nhà khánh kiệt, bà ngậm ngùi bán mảnh đất cha ông để lại hòng giải quyết nợ nần. Dư lại được số tiền 150 triệu, bà cũng theo chân những người láng giềng mang đến gửi hết cho bà T.T.H. để lấy lãi suất, chỉ mong kiếm đôi đồng cho mẹ con ngày ngày rau cháo.
Hay tin bà T.T.H. bể nợ, bà Trọn ngất lên ngã xuống, cảm giác đất trời sụp đổ. Số tiền đó với bà là cả một gia tài. Trợ cấp không có, sức khoẻ yếu, không còn khả năng lao động trong khi cậu con trai tâm thần nhìn mẹ vật vã, nước mắt như mưa chỉ cười khoái chí. "Ngày mai không biết lấy gì cho vào nồi. Bát cháo loãng giờ cũng chỉ là mơ ước xa xôi" - bà Trọn nghẹn ngào.
Người làng cho hay, những người cầm đầu đường dây huy động vốn tạo vẻ ngoài là những người hết sức thành đạt, làm ăn lớn, hoạt động thiện nguyện liên tục... khiến người dân ngưỡng mộ rồi tin tưởng "xuống tiền".
Trong danh sách dài những nạn nhân của vụ vỡ nợ quy mô khủng tại huyện Quỳnh Lưu, người nhiều kẻ ít, có ông Bùi Hạm (SN 1963, xã Quỳnh Long) dồn hết gia sản, mạnh dạn vay mượn thêm bên ngoài rót cho những người cầm đầu vay 9 tỷ; bà Nguyễn Thị Mơi (SN 1954, trú xã Quỳnh Thuận) "đầu tư" 90 triệu, là số vốn sau nhiều năm tích cóp từ nghề làm muối...
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, ông Trần Văn Nguyện thông tin, đường dây tín dụng đen quy mô hàng trăm tỷ đồng vỡ nợ khiến dư luận chấn động, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã trót gửi tiền hiện như "ngồi trên lửa". "Chính quyền sở tại những ngày này liên tục cắt cử, bố trí lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự" - ông Nguyện nói.
Thông tin từ người dân địa phương, những người cầm đầu trong đường dây huy động vốn quy mô lớn đều có mối quan hệ anh em, họ hàng. Những ngày trước khi thông báo vỡ nợ, họ liên tục gọi điện, thậm chí tìm đến tận nhà người dân nhiều xã khác nhau tại huyện Quỳnh Lưu để huy động tiền số lượng lớn. Sau đó tuyên bố vỡ nợ cùng lúc khiến hàng trăm hộ dân "chết đứng".
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Văn Thưởng cho hay, chính quyền đã giao lực lượng công an huyện vào cuộc sau khi nắm được thông tin.
“Nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ khởi tố vụ án, xử lý nghiêm” - ông Thưởng thông tin.