Đợt gió mùa đông bắc gần nhất khả năng vào khoảng ngày 10/1 - 12/1. Đợt tiếp theo rơi vào tiết Đại hàn ngày 21/1 và kéo dài tới giáp Tết Nguyên đán 2024. Cả hai đợt không khí lạnh cường độ nhẹ nên nền nhiệt không xuống quá sâu.

Minh Thư (TH) 06:15 12/01/2024

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, bà Trần Thị Chúc, Phó Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tổng kết thời tiết khí hậu từ 11/12/2023-10/01/2024 có nhiều điểm đặc biệt. Trong tháng 12/2023, trên Biển Đông xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới vào sáng ngày 20/12, di chuyển từ phía Tây Nam đảo Palawan (Philippines) vào Biển Đông. Chiều ngày 21/12, sau khi di chuyển vào vùng biển phía Tây Nam quần đảo Trường Sa, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp, sau đó tiếp tục suy yếu và tan dần.

Giai đoạn này xuất hiện 4 đợt không khí lạnh vào các ngày: 16/12, 19/12, 03/01, 10/01. Điển hình là đợt gió mùa đông bắc ngày 16/12 và đợt không khí lạnh tăng cường ngày 19/12, đã gây ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng từ ngày 17-27/12 tại khu vực Bắc Bộ; trong đó từ ngày 21-24/12 xảy ra rét đậm, rét hại mở rộng đến khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 8,0-11,0 độ C, vùng núi từ 4,0-7,0 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3,0 độ C. 

Tại Mẫu Sơn, ngày 22/12/2023 nhiệt độ thấp nhất đạt -2,5 độ C, đây được đánh giá là giá trị nhiệt độ thấp nhất trong cùng thời kỳ tháng 12 tính theo chuỗi thống kê từ năm 2012 đến nay. Trên Vịnh Bắc Bộ ghi nhận gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sương muối, băng giá xảy cũng xảy ra tại một số nơi vùng núi phía Bắc.

Nhiệt độ trung bình từ ngày 11/12/2023-10/01/2024 trên cả nước phổ biến cao hơn từ 1,0-2,0 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng xuất hiện một vài nơi ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, nhiều nơi có giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử so với cùng thời kỳ như Phố Ràng (Lào Cai), Phù Liễn (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh, An Nhơn (Bình Định), Sóc Trăng, Rạch Giá (Kiên Giang), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Pleiku (Gia Lai), Bến Tre, Bạc Liêu, Châu Đốc (An Giang)....

Thời kỳ này, Trung Bộ đã xuất hiện các đợt mưa diện rộng trong đó, đợt mưa ngày 17-23/12, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông gây mưa vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa tại hầu khắp các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-50mm, có nơi thấp hơn; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 50-120mm, đặc biệt tại trạm Huế cao hơn 275mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo chuyên gia Trần Thị Chúc, dự báo xu thế khí hậu thời hạn tháng thời kỳ từ 11/01-10/02/2024 cho thấy, trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,0-2,0 độ C, có nơi cao hơn 2,0 độ C. 

Cơ quan khí tượng đưa ra dự báo nhiệt độ các khu vực giai đoạn từ ngày 1-10/2/2024 cụ thể như sau: Sơn La (khu vực miền núi phía Bắc) nhiệt độ trung bình là 17,5-18,5 độ C; Việt Trì (trung du miền núi phía Bắc) là 18-19 độ C, Hải Phòng 18-19 độ C; Hà Đông (Hà Nội) 18,5-19,5 độ C; Vinh (Nghệ An) 19,5 - 20,5 độ C; Thừa Thiên Huế từ 21,0-22,0 độ C, Nha Trang (Khánh Hòa) từ 25-26 độ C, Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) từ 22,5-23,5 độ C, Châu Đốc (An Giang) từ 26-5-27,5 độ C.

GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kết quả chạy mô hình dự báo mùa (tức từ khoảng tháng 11 - 12/2023 cho đến tháng 4 - 5/2024). Kết quả cho thấy khả năng đợt không khí lạnh ngày 10/1 sẽ tác động kéo dài cho đến Tết Nguyên đán 2024. Đợt lạnh này có thể kéo dài sau Tết một khoảng thời gian ngắn và sau đó thời tiết ấm dần lên. Tuy nhiên đó là kết quả theo dự báo của mô hình, nó có thể có sự sai lệch về mặt thời gian.

Theo thông tin từ báo Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về  biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho rằng  nhiệt độ tháng 1/2024 có xu hướng cao hơn từ 1 - 1,5 độ C so với trung bình cùng thời kỳ của các năm trước. Nhiệt độ tháng 2 năm 2024 (trừ tuần đầu tiên) có xu hướng cao hơn từ 1,5 - 2 độ C so với trung bình cùng thời kỳ. Song cần đề phòng có đợt lạnh ngắn và đột ngột có thể gây mưa đá trong dịp cuối năm và đầu năm mới ở các tỉnh phía bắc. Nguyên nhân do nền nhiệt được nung nóng giai đoạn dài khi có không khí lạnh mạnh đột ngột về sẽ tạo chênh lệch áp suất ở các tầng khí quyển kết hợp hơi ẩm nóng bốc hơi gặp không khí lạnh ngưng tụ ở các tầng khí quyển cao.

Theo cơ quan khí tượng, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phổ biến cao hơn từ 10-20mm; riêng khu vực Tây Bắc Bộ cao hơn từ 20-30mmso với trung bình nhiều năm. Tại khu vực Trung Bộ tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-20mm, riêng khu vực Quảng Nam đến Khánh Hòa thấp hơn từ 20-40mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa.

Dự báo từ nay đến đầu tháng 2, không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm, số ngày rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ít hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Ngoài ra, băng giá có thể xuất hiện ở một số nơi vùng núi phía Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Tại Trung Bộ có thể xuất hiện các đợt mưa dông kèm khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét gây ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đang trong thời kỳ mùa khô, ít có dấu hiệu xuất hiện các đợt mưa trái mùa, do đó cần sử dụng nguồn nước tiết kiệm và có hiệu quả

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe