Ngày 28/3, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM vừa phát cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo từ những cuộc gọi giả danh lực lượng công an.
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, nạn nhân là bà L.T.K.E, ngụ TT Hóc Môn cho biết có nhận được điện thoại là người đàn ông xưng là thiếu úy Lê Văn Tám, công tác tại Công an TP Đà Nẵng.
Người này thông báo bà E liên quan đến đường dây rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu làm theo các hướng dẫn.
Do lo lắng, nên bà E đã tuân theo lời của đối tượng, chuyển hơn 1,1 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên TRUONG HONG LINH. Nạn nhân sau đó trình báo công an.
Trước đó, theo thông tin từ báo Thanh Niên, một sự việc tương tự xảy ra vào ngày 20/3, Công an H.Hoài Ân (Bình Định) vừa nhận được trình báo về vụ lừa đảo, người bị hại là bà Đ.T.B (42 tuổi, H.Hoài Ân). Tổng số tiền bà B. bị chiếm đoạt là 1,179 tỉ đồng.
Trưa 20/3, bà B. nhận được nhiều cuộc điện thoại của người lạ từ nhiều số điện thoại khác nhau thông báo bà liên quan đến một vụ án ma túy. Kể từ khi nhận được cuộc gọi, bà B. hết sức lo lắng.
Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu bà không được nói với ai và ra ngay ngân hàng mở tài khoản mới để chuyển tiền vào đó, đồng thời cung cấp mã OTP để "cơ quan chức năng kiểm kê tài sản".
Tin lời, bà B. đã ra ngân hàng mở tài khoản mới. Đến ngày 20.3, người lạ tiếp tục yêu cầu bà B. chuyển tiền vào tài khoản mới lần thứ nhất với 119 triệu đồng. Ngày 22.3, có người tiếp tục yêu cầu bà B. chuyển 1,06 tỉ đồng.
Sau khi làm theo những gì các nghi can lừa đảo yêu cầu, bà B. phát hiện số tiền lớn đó đã bị chiếm đoạt. Hiện vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang được Công an tỉnh Bình Định điều tra, làm rõ.
Thời gian qua, xuất hiện nhiều đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện hăm dọa bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Mặc dù đã được lực lượng chức năng khuyến cáo nhưng hiện nay số người “sập bẫy” vẫn gia tăng.
Kịch bản phổ biến là các đối tượng giả danh, gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia,...
Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.