Ngôi làng Yangsi (Tứ Xuyên, Trung Quốc) là nơi khiến các nhà khoa học bối rối trong nhiều thập kỷ do 40% dân số là người lùn.
Ngôi làng Yangsi nằm biệt lập ở phía tây nam của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc được mệnh danh là "ngôi làng người lùn". Theo lời các già làng, cuộc sống bình thường và hạnh phúc của họ "đã bị hủy hoại vào một đêm mùa hè năm 1951" vì một căn bệnh lạ.
Căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi 5 đến 7, khiến các em ngừng phát triển và giữ nguyên chiều cao suốt phần đời còn lại. Ngoài việc không cao lên, một số bệnh nhân mắc nhiều dạng khuyết tật khác nhau.
Người dân ở làng Yangsi đều có chiều cao khiêm tốn.
Một thống kê được thực hiện vào năm 1985 phát hiện 119 trường hợp ngừng phát triển chiều cao. Căn bệnh này còn ảnh hưởng đến những thế hệ sau. Tính đến năm năm 2014, 36 trong số 80 dân làng là người lùn. Trong số này, người cao nhất chỉ cao 117cm, trong khi người thấp nhất cao 64cm.
Nhiều chuyên gia cho rằng bệnh này được gọi là "bệnh lùn". Người mắc bệnh này trên thế giới đã phát hiện nhiều nhưng không có tính tập trung như làng Yangsi. Bệnh lùn là hiện tượng tầm vóc thấp bé do tình trạng y tế hoặc di truyền. Theo định nghĩa, người mắc bệnh lùn thường có chiều cao từ 147cm trở xuống. Chiều cao trung bình của họ là 122 cm.
Vào tháng 1/2008, Cục Y tế huyện Tư Trung đã ủy quyền cho Bệnh viện Nhân dân huyện tiến hành kiểm tra X-quang đối với những người lùn ở làng Yangsi. Phim chụp X-quang cho thấy rõ ràng các khớp cơ thể không chỉ là dị tật mà khe hở giữa khớp háng và chỏm xương đùi không tồn tại, được dính chặt với xương chậu. Những thay đổi về cơ thể này khiến sự tăng trưởng bị hạn chế, biểu hiện chính là chiều cao ngừng phát triển.
Tính đến năm 2014, 40% dân làng Yangsi là người lùn.
Các chuyên gia đã quyết tâm về làng Yangsi để nghiên cứu nguyên nhân. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để phỏng đoán về nguyên nhân gây ra tình trạng này. Sau khi kết hợp các tài liệu lịch sử và các chuyến tham quan thực địa, họ cho rằng nguyên nhân khiến dân làng nơi đây trở nên thấp bé có thể liên quan đến thực phẩm từ những năm 1930.
Theo ghi chép, vào những năm 1930, lượng mưa ở Tứ Xuyên tăng cao, điều kiện sống thấp, lúa mì, khoai lang, ngô… được dân làng Yangsi thu hoạch rất dễ bị nấm mốc và sản sinh ra một loại nấm tên là nấm Fusarium. Vào thời điểm đó, quan niệm vệ sinh chưa cao, trình độ kinh tế chưa phát triển nên dân làng hay ăn phải một số thực phẩm bị mốc.
Được biết loại nấm Fusarium sau khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ sinh ra độc tố lắng đọng trong cơ thể và ức chế sự phát triển của mô sụn, khiến xương khớp sẽ ngừng phát triển, các bộ phận phát triển chậm, cuối cùng dẫn đến bệnh thiếu máu cục bộ khớp háng. Vì vậy, trong ảnh chụp X-quang của dân làng Yangsi, đỉnh đầu xương đùi biến mất và khe hở cũng biến mất.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện từ mẫu nước lấy từ giếng cổ của làng từ những năm 20 thế kỷ trước, các nguyên tố như Canxi, Phốt pho thiếu trầm trọng, trong khi con người muốn cao, những chất này là không thể không có. Họ cho rằng nguồn nước của làng có vấn đề. Cũng được biết, qua điều tra, ngôi làng này thường xuyên cảm nhận có những cơn địa chấn, mà họ cho là động đất.
Thêm một giả thuyết khác từ các nhà khoa học, vào năm 1997, do nồng độ thủy ngân trong đất làng Yangsi cao nên gây ra bệnh nhưng họ không thể tự chứng minh giả thuyết. Kết quả, nguyên nhân của căn bệnh vẫn còn là bí ẩn cho đến ngày nay.
Các chuyên gia chưa thể tìm ra nguyên nhân gây "bệnh lùn" ở ngôi làng Yangsi.
Giới chức Trung Quốc không phủ nhận sự tồn tại của "ngôi làng người lùn", nhưng hiện chưa cho phép người nước ngoài đến đây. Do đó, càng khiến cho câu chuyện về một "ngôi làng người lùn" trở nên bí ẩn và ly kỳ.
Một số cư dân đã rời bỏ làng do sợ mắc bệnh. Song, tình hình đã được cải thiện trong những năm gần đây.Số lượng trường hợp người lùn ở những thế hệ sau này đã dần giảm đi.