Mẹ mất cách đây 8 năm và 2 anh trai gặp tai nạn, anh Nguyễn Viết Hóa còn té cây bị liệt tứ chi và nằm bệnh viện mà không người thân nào chăm sóc. Nếu không có dì Năm nhận nuôi và chăm lo mỗi ngày, cuộc đời anh Hóa không biết sẽ đi về đâu.
Anh Nguyễn Viết Hóa (26 tuổi, quê ở thị xã Bình Long, Bình Phước) cho biết nhà có 3 anh em trai đều bị tai nạn. Anh hai của Hóa mất lúc 21 tuổi vì bị tai nạn, còn anh ba bị cây đập dập não và giờ không biết gì hết.
Sau khi Hóa té cây bị liệt tứ chi, vợ anh đã li dị và cưới chồng khác. Trước đó, hai vợ chồng anh Hóa đã có một đứa con trai.
Bị kịch hơn khi Nguyễn Viết Hóa nằm liệt giường trong Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM (313 đường Âu Dương Lân, quận 8, TP.HCM) nhưng không có người thân nào chăm sóc vì bố anh, ông Nguyễn Viết Hội phải ở nhà trông nom anh ba, hiện lú lẫn và cũng bị liệt. Hơn nữa, gia cảnh của ông Hội cũng rất khó khăn.
Anh Nguyễn Viết Hóa ứa nước mắt khi tâm sự: “Giờ sống cảnh này không bằng chết nữa. Chết có khi khỏe hơn”.
Chăm sóc cho bệnh nhân khác trong viện, bà Nguyễn Thị Thử (tên gọi thân mật là dì Năm, quê Trà Vinh) thấy hoàn cảnh của Nguyễn Viết Hóa quá đáng thương nên không nỡ bỏ rơi anh. Thế là dì Năm cùng con gái - chị Nguyễn Thị Phượng quyết định nhận nuôi người xa lạ. Họ xem Hóa như con và em trai, hàng ngày lo cho anh việc ăn uống, đi vệ sinh và tắm rửa.
“Thấy nó cũng thương nữa. Sao kỳ vậy? Nếu chị không thương nó là chị bàn ra, nhất định không có mẹ nuôi nó thì lấy gì mẹ lên”, chị Nguyễn Thị Phượng chia sẻ.
Chị Phượng hài hước thổ lộ lý do nuôi anh Hóa: “Chắc kiếp trước cũng có thiếu tiền chút đỉnh đây nè! Chắc hồi đó ông làm giám đốc, cho mượn tiền hay thiếu nợ. Cả hai mẹ con luôn”.
Về kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày tháng được dì Năm chăm sóc, anh Nguyễn Viết Hóa vừa khóc vừa chia sẻ: “Những đêm em sốt, dì Năm thức cả đêm luôn, ra vô thăm dò. Có lần em đi mổ bàng quang trong bệnh viện Bình Dân, bữa đó mồ hôi toát như tắm, lúc nào cũng ướt. Dì Năm thức cả đêm lau và quạt cho em, chưa bao giờ phàn nàn: ‘Tao mệt quá. Tao bực bội quá. Chưa bao giờ có’. Chỉ lúc nào em không ăn là giận, chửi. Vậy thôi, chứ không bao giờ dì than bất cứ cái gì. Chưa thấy ai lo lắng cho người dưng giống vai trò một người mẹ như dì Năm”.
Bỏ qua mong ước làm lại nhà dưới quê, dì Năm dồn công sức nuôi anh Hóa vì: “Chồng bệnh có mình nuôi. Vợ bệnh có chồng nuôi. Còn Hóa nằm bệnh một chỗ, gia đình không ai nuôi nó. Nghĩ nó như đứa con mình đẻ ra kiếp trước đi, mà mình không làm tròn bổn phận người mẹ. Kiếp này gặp lại coi như đứa con đẻ vậy thôi. Người ta quá khổ rồi. Mình cứ giúp được thì giúp người ta đi. Có ngại ngùng gì”.
Trước tấm lòng cao cả của dì Năm, anh Hóa dù chán nản, tuyệt vọng nhưng cố phấn đấu để vượt lên chính mình.
Dì Năm nói sẽ nuôi anh Hóa đến cuối đời mình, sau đó nhờ con tiếp tục việc này.
“Phượng có nói là mẹ có trăm tuổi già thì truyền Hóa lại cho tụi con, chứ bỏ nó cho ai. Người ta có tiền giúp, còn mình không có tiền thì lấy công”, dì Năm nói.
Nỗi lo lớn nhất của anh Hóa là: “Nếu một ngày nào đó dì Năm mà không nuôi nữa thì em không biết cuộc đời em như thế nào. Thực sự là khi nghĩ đến chuyện đó, em cũng còn sợ”.
Về điều ước của mình, anh Hóa cho biết: “Em chỉ mong sao, nếu phục hồi được hết thì em sẽ làm và lo lắng cho mẹ Năm chứ giờ không biết trả ơn cho mẹ Năm thế nào”.
Không riêng anh Hóa, dì Năm hàng ngày vẫn xin cơm của mạnh thường quân cho tất cả bệnh nhân trong viện.
Nhiều ai xem chương trình >Điều ước thứ 7 tuần này hẳn rất cảm động và khó quên hình ảnh dì Năm nằm ngủ cạnh giường bệnh của anh Hóa, đút cơm, giúp con nuôi đi vệ sinh và vận động tay chân...