Trong ngày 31/5, mưa dông tiếp diễn với lượng lớn ở các tỉnh, thành phố Bắc Bộ gây nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập lụt. Nhiều nơi ở Hà Nội có thể ngập khi hứng trận mưa 50-100 mm.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 19h ngày 30/5 đến 3h sáng 31/5, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; riêng vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Ka Lăng (Lai Châu) 101mm, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) 186mm, Phúc Ứng (Tuyên Quang) 133mm, Song Hồ (Bắc Ninh) 96mm,...
Hà Nội cũng ghi nhận một số khu vực mưa trên 100 mm, tập trung ở các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Đông Anh...
Dự báo: Ngày và đêm nay (31/5), ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm; ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Hà Nội mưa lớn vào tối 30/5.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên,Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Ngoài ra, một số khu vực trũng thấp ở đô thị có thể ngập úng.
Khu vực Hà Nội: Dự báo trong sáng nay còn có mưa, nhưng cường độ không lớn, khoảng sau 9h đến đầu giờ chiều mưa giảm. Khả năng chiều tối và đêm mưa sẽ quay trở lại với xác suất 70-80%.
Cảnh báo: Hiện, hệ thống thoát nước của Hà Nội chỉ đáp ứng được trong trường hợp mưa dưới 50mm trong vòng 2 giờ và dưới 310 mm trong vòng 2 ngày. Nếu mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa mưa to tại Hà Nội tiếp diễn có khả năng gây sẽ ngập úng cho nhiều tuyến phố nộithành với độ sâu phổ biến từ 20-40cm; một số tuyến phố ngập sâu hơn với độ sâu từ 40-60cm.
Theo thống kê, thành phố còn tồn tại 11 điểm ngập chưa thể giải quyết. Trong đó, 3 điểm ngập đã giảm thiểu tình trạng úng ngập là Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến.
5 điểm đang triển khai các dự án cải tạo thoát nước là: ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; phố Thụy Khuê (dốc La Pho); phố Cao Bá Quát; phố Vũ Trọng Phụng.
3 điểm còn lại đang trong quá trình nghiên cứu các dự án chống ngập là Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm và đường Hoàng Như Tiếp.
Nhiều nơi ở Hà Nội có thể ngập khi hứng trận mưa 50-100 mm.
Với cường độ mưa 50-100 mm trong 2 giờ, các khu vực trên chắc chắn bị úng ngập. Thời gian nước rút phụ thuộc vào vũ lượng cũng như khả năng tiêu thoát tự nhiên, dao động 20 phút đến một giờ.
Với cường độ mưa 50-100 mm trong 2 giờ, các khu vực trên chắc chắn bị úng ngập. Thời gian nước rút phụ thuộc vào vũ lượng cũng như khả năng tiêu thoát tự nhiên, dao động 20 phút đến một giờ.
Người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển vào các khu vực trũng, thấp, thường xuyên xảy ra ngập lụt khi mưa lớn trút xuống.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), nhận định kết thúc đợt mưa ngày 31/5, mưa dông còn duy trì và tập trung ở vùng núi Bắc Bộ sau ngày 1/6. Riêng Hà Nội vẫn có thể mưa dông về chiều và tối trong những ngày tới.
Trước đó, trận mưa vào chiều ngày 29/5 đã vượt ngưỡng lịch sử năm 1986.
Theo số liệu thực đo, tại trạm Láng lượng mưa đo được 140mm, Thanh Trì là 119mm, Đông Anh 73mm, Hoài Đức 53mm…Theo số liệu lịch sử tại trạm Láng lượng mưa tích lũy trong 1h ngày 15/7/1999 đạt 114.9mm; số liệu lịch sử lượng mưa tích lũy trong 2h ngày 18/6/1986 là 132,5mm.
Mưa lớn gây ngập úng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Nhiều cơ quan, công sở, nhà dân không kịp trở tay nên suốt đêm 29/5 đến trưa 30/5, việc khắc phục hậu quả úng lụt vẫn chưa xong.
Nếu lượng mưa 50-100 mm tiếp tục xảy ra, nhiều địa điểm chưa hoàn thiện dự án chống ngập cũng cải tạo thoát nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong chiều tối và tối nay (31/5), ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông; cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Mưa dông ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 02/6 (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.