Trong ngày Tết Đoan Ngọ, cơm rượu, trái cây đúng mùa và bánh ú nước tro là những món ăn không thể thiếu của người Việt. Cũng giống như chè trôi nước Tết Nguyên tiêu, bánh trung thu đêm Rằm Tháng Tám, bánh ú Tết Đoan ngọ đã là nét đặc trưng văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị dân tộc. Vậy, nguồn gốc chiếc bánh ú và tục lệ tết đoan ngọ cúng bánh ú bắt nguồn từ đâu? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết giết sâu bọ. Ngày lễ truyền thống này có nội hàm văn hóa phong phú. Một số người vẫn lầm tưởng, Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thực chất, Tết Đoan ngọ là một phong tục lễ tết Á Đông gắn với sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Bánh ú nước tro là thứ bánh dân dã được làm bằng cách ngâm gạo nếp trong nước lá gio, gói vào lá rồi mang luộc. Bánh gio có màu vàng óng, trong suốt rất đẹp mắt. Trong lễ cúng gia tiên của ngày tết Đoan Ngọ, bánh gio là loại bánh không thể thiếu.
Theo truyền thuyết, vào một ngày sau vụ mùa, người nông dân tổ chức ăn mừng vì năm đó trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo phá hoại, ăn hết trái cây, thực phẩm đã thu hoạch. Trong lúc người dân đang đau đầu không biết cách xử trí, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân đến chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm Bánh gio, trái cây trước nhà và vận động cơ thể.
Người dân cũng hưởng ứng theo và đúng là sâu bọ bị diệt sạch. Theo lời khuyên của Đôi Truân, hằng năm đúng ngày này sâu bọ rất hung hăng phá hoại mùa màng, cứ làm theo những gì ông đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ". Vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ nên được gọi nó là "Tết Đoan ngọ".
Bánh gio (hay còn gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh nẳng). Gọi là bánh gio vì bánh được làm từ gạo ngâm trong nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Bánh có đặc tính tư âm vì chứa những nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali...)
Bánh có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, góp phần chữa một số bệnh như tăng huyết áp, thống phong (gút) sỏi thận...
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, theo truyền thống, các món trái cây mận, vải, dưa hấu và rượu nếp..., sẽ được ăn vào buổi sáng sớm để diệt trừ sâu bọ, giun sán trong người.
Trong dịp Tết Đoan ngọ, bánh Tro sẽ phát huy cao công dụng tốt với sức khỏe. Trong ngày tết Đoan Ngọ mọi người thường ăn nhiều món ăn tích nhiệt, tích chất béo, khó tiêu (rượu nếp, xoài, mít...). Do đó, Tết Đoan ngọ cần có >bánh tro để giúp trung hòa chất độc tích lại nhằm bảo vệ sức khỏe .
Theo tập quán của người dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam, Bắc, tết đoan ngọ và bánh ú tro luôn đi đôi với nhau. Cứ đến Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) thì phải làm một số bánh trong đó bánh gio.
Không như các loại bánh khác được bán được bán lẻ từng chiếc, bánh ú nước tro được buộc thành từng chùm mười hai chiếc và thường được mua nhiều chùm về để cúng ông bà tổ tiên,làm quà để mọi người trong nhà cùng ăn.
Làm hoặc mua bánh ú Tết Đoan ngọ là phong tục tập quán lâu đời được đúc kết được từ kinh nghiệm thực tế phòng chữa bệnh trong đời sống ẩm thực hằng ngày.
Ngày nay, Tết Đoan Ngọ chỉ còn mang tinh chất hưởng ứng cho có lệ. Ít người mua hay làm bánh nước tro mà quan niệm chỉ cần mua rượu nếp ăn trong ngày này là được. Vì vậy, tập quán ăn bánh tro rất cần được khôi phục nhằm giúp cân bằng với các loại bánh nhiều đường, mỡ đang từng ngày một làm hao mòn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.