Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với hành vi tàn độc, mất hết nhân tính, kẻ phóng hỏa giết người có thể phải đối diện án tử hình.

Lan Chi (t/h) 14:14 19/12/2024

Theo thông tin từ báo Dân Trí, khuya 18/12, Công an Hà Nội tiếp nhận tin báo cháy quán cà phê tại địa chỉ 258 Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bên trong có nhiều người mắc kẹt. Sau khoảng 40 phút, lực lượng chức năng khống chế được đám cháy, đưa 7 người ra ngoài và phát hiện 11 người tử vong. 

Trong đêm, Công an TP Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan đã xác minh, xác định đối tượng gây án là C.V.H. (51 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội). Làm việc với công an, H. khai nhận do mâu thuẫn với nhân viên tại đây nên đã mua xăng về châm lửa đốt quán. Sau khi gây án, đối tượng tới Công an phường Cổ Nhuế 2 để đầu thú. 

Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can H. về tội Giết người. Trước khi bị bắt, H. có 2 tiền án về tội Cướp tài sản và Trộm cắp tài sản. 

Lực lượng chức năng đưa các nạn nhân lên xe cấp cứu - Ảnh: Báo Dân Trí

Theo thông tin từ báo An ninh Thủ đô, phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với hành vi tàn độc, mất hết nhân tính, kẻ phóng hỏa giết người có thể phải đối diện án tử hình.

Điều 123 Bộ luật Hình sự 2025 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn. Trường hợp phạm tội không thuộc các trường hợp nêu trên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Về cấu thành tội phạm của tội giết người, theo luật sư Lê Hồng Vân, hành vi khách quan của tội giết người là hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống. Hành vi giết người được thể hiện dưới hình thức dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực. Không dùng vũ lực nghĩa là dùng các thủ đoạn khác mà không sử dụng sức mạnh vật chất để tác động lên cơ thể nạn nhân như dùng thuốc độc để đầu độc nạn nhân, gài bẫy điện để nạn nhân vướng vào, dùng xăng để đốt…

Đối tượng Cao Văn Hùng tại cơ quan công an - Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

Hậu quả do hành vi của tội phạm giết người gây ra là làm người khác chết. Tuy nhiên chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác đã được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không.

Về mặt chủ quan, người phạm tội giết người luôn thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý .

Trong vụ đổ xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng, đó là giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người – luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người, như ném lựu đạn vào chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào bể nước nhằm giết một người mà người phạm tội mong muốn, đổ xăng vào nơi có đông người rồi phóng hỏa…

Hậu quả của hành vi sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là có thể gây chết người mà người phạm tội mong muốn, có thể làm chết người khác hoặc cũng có thể không ai bị chết. Nhưng người phạm tội vẫn bị coi là giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.

Lan Chi (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe