Đặng Quốc Vinh - cựu học sinh lớp 12A, trường THPT Ninh Giang, vừa trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Bách khoa Hà Nội với 29,47 điểm khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và 29,65 điểm khối A01 (Toán, Lý, Anh). Điểm được tính theo công thức riêng của Bách khoa Hà Nội với môn Toán nhân hệ số 2 và quy về thang điểm 30.

Hàn Huyên (t/h) 13:16 23/08/2023

Theo thông tin từ VnExpress, với số điểm 29,47 điểm khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và 29,65 điểm khối A01 (Toán, Lý, Anh), Đặng Quốc Vinh - cựu học sinh lớp 12A, trường THPT Ninh Giang trúng tuyển ngành Khoa học Máy tính, ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội - 29,42 điểm. Điểm được tính theo công thức riêng của Bách khoa Hà Nội với môn Toán nhân hệ số 2 và quy về thang điểm 30.  

Đây cũng là lợi thế của Vinh khi nam sinh là một trong 12 thí sinh toàn quốc giành điểm 10 Toán ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Kỳ thi này có hơn một triệu học sinh tham dự.  

"Em hạnh phúc khi biết mình đỗ ngành có điểm cao nhất", Vinh chia sẻ với VnExpress, chiều tối 22/8.

Đặng Quốc Vinh - >thủ khoa ngành Khoa học Máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 - Ảnh: VnExpress

Trước đó, Vinh có điểm chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 830/990 và điểm bài thi tư duy đạt 96 điểm - mức điểm mà trong 11.000 thí sinh dự thi, chỉ 7 người đạt được (thủ khoa là 96,49 điểm). Như vậy, nếu không xét bằng điểm thi tốt nghiệp, Vinh vẫn đỗ ngành Khoa học máy tính bằng điểm thi đánh giá tư duy, bởi điểm chuẩn theo phương thức này là 83,9/100 điểm.

Chị Bùi Thị Việt Hà, mẹ Vinh, thấy như trút gánh nặng khi biết điểm chuẩn. Điểm của Vinh khá ổn, song trước đó chị vẫn lo vì biết thi vào Bách khoa khó và mức độ cạnh tranh cao.

"Đây là niềm vui mừng lớn của gia đình", chị Hà nói với VnExpress.

Chị Hà nói con trai hiền lành, tốt bụng, sẵn sàng bỏ cả buổi tối để hướng dẫn bạn bè học bài. Nhiều khi sốt ruột, chị nhắc con nhưng Vinh nói sẽ học thêm giờ để bù vào.

"Tôi chưa bao giờ phải giục hay nhắc nhở con học bài", chị Hà cho hay. Theo lời chị, Vinh giỏi Toán và Tiếng Anh từ nhỏ, từng giành nhiều giải thưởng thi học sinh giỏi.

Vinh mơ ước vào ngành Khoa học máy tính của trường từ năm lớp 10. Nam sinh tìm hiểu, biết các môn từ đại cương đến chuyên ngành đều học nặng nhưng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa sáng lạn nên quyết tâm chinh phục.

"Em thích máy tính và lập trình, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu", Vinh chia sẻ với VnExpress.

Vì thế, Vinh nói có chiến lược từ sớm, cố gắng học đều các môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh và tập trung ôn luyện bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Em cố gắng ở cả hai phương thức để tăng khả năng đỗ vào trường.

Nam sinh phân chia thời gian học các môn trong tuần. Mỗi tối, em dành khoảng một tiếng để giải quyết tất cả bài tập trên lớp, sau đó tập trung vào từng môn. Trong một tuần, Vinh chia ngày học Toán, Lý hay Hóa và chỉ thức đến 23h là ngủ.

Khi học, em cũng tạo không gian yên tĩnh, tránh bị xao nhãng bởi điện thoại và máy tính. Sau khoảng một tiếng tập trung, em >giải trí một chút cho đỡ áp lực.

"Em thử nhiều cách học nhưng thấy cách đấy hiệu quả nhất với mình", Vinh nói với VnExpress..

Theo thông tin từ VietNamNet, thủ khoa toàn quốc khối A00 Nguyễn Mạnh Thắng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Nam sinh đạt số điểm 29,35, trong đó, môn Toán đạt 9,6 điểm, môn Lý đạt 9,75 điểm và môn Hóa đạt 10 điểm.

Cùng với Thắng, Nguyễn Mạnh Hùng, cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương (Văn Lâm, Hưng Yên) cũng là một trong ba thủ khoa khối A00 toàn quốc với số điểm 29,35. Trong đó, Hùng đạt 10 điểm môn Vật lý, 9,6 điểm môn Toán và 9,75 điểm môn Hóa học.

Tuy nhiên, cả hai đều trượt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nguyễn Mạnh Hùng (bên trái) và Nguyễn Mạnh Thắng (bên phải) - hai thủ khoa khối A00 (Toán, Lý, Hóa) toàn quốc năm nay với số điểm 29,35 điểm

Theo công bố của ĐH Bách khoa Hà Nội chiều 22/8, ngành Khoa học máy tính lấy điểm cao nhất vào trường năm nay với 29,42 điểm.

Năm nay, hầu hết các ngành/chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội đều xét tuyển bằng các tổ hợp có môn chính.

Công thức tính điểm xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành Khoa học máy tính như sau:

ĐXT= (Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên.

Nguyễn Mạnh Thắng cho biết với VietNamNet, em khá bất ngờ với kết quả này. “Năm nay, Bộ GD-ĐT có cách cộng điểm ưu tiên đối với thí đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên khác so với những năm trước, do đó em được cộng khá ít. Vì thế, điểm của em không đủ để vào ngành IT1”.

Nguyễn Mạnh Hùng cũng cảm thấy bất ngờ với kết quả này vì trước đó, em nghĩ mình đã có cơ hội trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính. “Với mức điểm đạt được, em chỉ được cộng khoảng 0,05 theo cách tính điểm ưu tiên mới, do đó không trúng tuyển vào ngành IT1. Tuy nhiên, em cũng khá thích thú với ngành IT2 nên không cảm thấy quá buồn”, nam sinh chia sẻ với VietNamNet.

Với điểm số này, cả hai nam sinh cùng đỗ nguyện vọng 2 vào ngành Kỹ thuật Máy tính (IT2) của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngành này của trường năm nay lấy 28,29 điểm.

Mức điểm vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cao kỷ lục bởi trường ghi nhận tổng số nguyện vọng lên tới gần 90.000 với 34.500 thí sinh, tăng cao so với năm 2022.   

Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên. Trong đó, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5, khu vực 2 là 0,25; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Hàn Huyên (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe