Cúng mùng 3 Tết (có nơi mùng 4) còn gọi là lễ cúng đưa ông bà hay lễ hóa vàng. Tục này rất phổ biến trong nhiều gia đình Việt.

Vân Anh 15:05 30/12/2022

Lễ hóa vàng cúng mùng 3 tết là gì?

Lễ hóa vàng mùng 3 Tết là lễ cúng tiễn đưa ông bà ngày đầu năm!

Theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người, viết: "Lễ Hóa vàng là lễ cúng đưa ông bà, còn gọi là cúng tiễn ông vãi. Có gia đình cúng ngày mồng 3, có khi mồng 4. Họ làm mâm cơm cúng gia tiên, rồi đem bào nhiêu vàng mã đã cúng trong ba ngày tết ra hóa. Những vàng mã dành cho người mới mất trong năm qua thì được háo riêng.

Khi hóa vàng xong, người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng. Hai cây gậy các cụ theo tín ngưỡng được coi là đòn gánh gánh vàng về cõi âm và là vũ khí chống lại bọn quỉ sứ muốn cướp vàng đi. Trong bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đày đủ, thân mật và sau đó chia tay, chấm dứt mấy ngày Tết".

Chính vì vậy, người ta thường gọi lễ hóa vàng mùng 3 Tết là lễ cúng tiễn đưa ông bà ngày đầu năm, nhằm thể hiện lòng tôn kính, sự cầu mong tổ tiên ban phước lành cho hậu thế, một năm nhiều may mắn, >sức khỏe và thịnh vượng.

Cúng mùng 3 tết như thế nào?

Mâm cỗ hóa vàng thường được gia chủ cúng vào ngày mùng 3 Tết. Đây chính là bữa cỗ mặn cuối cùng có tính nghi lễ thờ cúng Tổ tiên. Tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với >đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian. Tục này nhằm cung cấp cho người đã khuất tiền, quần áo (giấy), gậy đi đường (cây mía).

Trong mâm cơm, phải có đầy đủ gà, các món luộc, xào, canh, miến, rượu và mâm ngũ quả, bánh kẹo, cau trầu. Đặc biệt, vàng mã, tiền âm phải được chuẩn bị chu đáo để Tổ tiên có đủ lệ phí về trời.

Cách chuẩn bị lễ cúng hóa vàng cũng giống như lễ cúng gia tiên gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Mâm cỗ mặn hoặc chay cũng đầy đủ các món đặc trưng của mâm cúng ngày Tết như món luộc, xào, canh, miến, rượu. Nếu cúng mặn thì mâm cơm không thể thiếu con gà trống.

Bên cạnh đó, con gà là một món rất quan trọng trong mâm cúng hóa vàng. Con gà tượng trung cho 5 đức tính của người dân Việt: Văn – Võ – Dũng cảm – Nhân hậu – Trung tín. Mâm cúng có con gà tượng trưng cho sự tốt lành và một tương lai tốt đẹp.

 Mâm cúng ngày lễ hóa vàng mùng 3 tết đầy đủ và được bài trí hợp lý!

Nếu chuẩn bị mâm cỗ cúng ngoài trời, phải đặt gà cúng lên đĩa to, bầy ngay ngắn trên đĩa, tiết lòng đặt dưới bụng gà, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ. Đặc biệt là phải đặt đầu gà quay ra đường để đón quan Hành khiển cai quan năm mới đi qua, cách đặt gà cúng như vậy còn có ý nghĩa gọi mặt trời chiếu vào nhà mình.

Còn khi đặt gà cúng trên ban thờ, theo một số chuyên gia nghiên cứu, nên quay đầu gà hướng về bát hương với tư thế được gọi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu” tức là há miệng, chân quỳ và cánh duỗi ra tự nhiên. Nếu làm theo cách nhiều gia đình làm có nghĩa có đầu gà hướng ra ngoài thì đó là gà không chịu chầu. Các gia chủ hay lưu ý những điều này nhé!

Văn khấn cúng mùng 3 tết

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Kính lạy:

- Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

- Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân,

Long Mạch Tôn Thần

- Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mồng Ba tháng Giêng năm …..

Tín chủ chúng con ...

Ngụ tại ...

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới.

Kính xin: lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Sau lễ hóa vàng, gia chủ sẽ vái 3 lạy và cầu mong gia tiên phù hộ con cháu!

Khi lễ xong, gia chủ sẽ vái 3 vái, cầu mong gia tiên phù hộ con cháu. Sau đó xin phép thu lộc, chia lộc (vật phẩm) cho con cháu. Nơi hóa vàng thường phải được đặt một cây mía dài dùng làm đòn gánh cho linh hồn mang đồ về cõi âm.

Trên đây là chi tiết về phong tục ngày lễ hóa vàng mùng 3 tết, được lưu truyền từ bao thế hệ gia đình Việt. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, sẽ giúp ích cho các gia chủ hiểu hơn, trân trọng hơn những ý nghĩa cao đẹp của ngày lễ cúng này, cũng như biết cách thực hiện một lễ cúng tốt đẹp nhất để kính nhớ gia tiên của mình nhé!

Vân Anh | Theo Phụ nữ sức khỏe