Chiều 30 Tết, nhiều tiểu thương đập bỏ hoa bán ế có phải là đang làm giá hay còn một nguyên nhân nào khác không?

Nhi An (TH) 23:19 09/02/2024

Những năm gần đây, cứ khoảng ngày 29, 30 Tết, cộng đồng mạng lại lan truyền hình ảnh các tiểu thương tại TP.HCM đồng loạt đập bỏ những chậu hoa không bán được. Nhiều bình luận gay gắt chỉ trích người bán "làm giá", cố tình phá hủy hàng hóa để không phải bán rẻ.

Theo VTC News đưa tin, chiều 9/2 (30 Tết), nhiều chợ bán hoa Tết và nhận thấy cảnh tượng đập bỏ hoa vẫn diễn ra như các năm. Thế nhưng, sự thật đằng sau hành động này lại không như nhiều người vẫn nghĩ.

Số hoa này hầu hết được các tiểu thương chất thành đống, héo úa. Ảnh: VTC News. 
Số hoa giập hư hoặc không bán hết bị đem bỏ để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Ảnh: VTC News. 
Các nhân viên Dịch vụ công ích TP Thủ Đức được điều động đến thu dọn. Ảnh: VTC News. 

Theo các tiểu thương, số hoa bị đập bỏ đều là những loại héo úa không có người mua, không thể chăm sóc tiếp, nếu chở về sẽ rất tốn chi phí nên họ đành đập bỏ. Một tiểu thương ở Bến Tre cho hay, tiền vận chuyển hết 3 triệu đồng/chiều. Mấy cái hoa bị bỏ này đều là hoa cúc hoặc hoa mai đã hư, cho không ai lấy nên họ bỏ đi để đỡ chở về mất tiền vận chuyển.

Một nhân viên dịch vụ công ích cho biết, đây là công việc năm nào họ cũng phải làm. Làm ca Tết được gấp 3 lương nên họ cũng sẵn lòng làm tốt công việc. Ảnh: VTC News. 
Ngoài hoa, một số loại trái cây có dấu hiệu héo, úng như dưa hấu cũng bị bỏ lại. Ảnh: VTC News. 

Tiểu thương này cũng cho biết không hề có chuyện người bán đập bỏ hoa để "làm giá" như cộng đồng mạng chỉ trích. Bản thân họ cũng muốn bán dù là chỉ vài chục nhưng có thêm thu nhập, chứ làm giá chỉ thiệt cho họ.

Những cây có giá trị cao như mai sẽ được tiều thương mang về nhà chăm sóc. Ảnh: VTC News. 
Đối với những chậu hoa còn tươi tốt, tiểu thương chấp nhận bỏ thêm chi phí vận chuyển về vườn để chăm sóc và bán sau Tết. Ảnh: VTC News. 

Ở một diễn biến khác được, báo Tuổi Trẻ đưa tin tại chợ hoa Tết công viên Gia Định (quận Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Tuy vậy hoa không còn nhiều. Nhiều thương lái chấp nhận bán lỗ để về nhà đón Tết.

Nhiều chậu mai đã nở rực nhưng nếu không kịp bán hết. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Những chậu quất (tắc) cuối cùng đang được gấp rút chào bán. Còn lại bao nhiêu sẽ bị mang bỏ hoặc chở về lại các nhà vườn để trả mặt bằng. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. 
Một thương lái bán hoa Tết, tranh thủ chợp mắt để tối nay dọn hết hoa trả mặt bằng cho công viên. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Anh Công Trọng một tiểu thương ở Long An lên bán hoa tại công viên Gia Định cho biết đến chiều 30 Tết là phải thanh lý toàn bộ hoa để trả mặt bằng. Không bán hết thì phải đem đi bỏ.

Vòng qua các tuyến đường có tổ chức điểm bán hoa Tết, nhiều nơi người bán chào hàng một chậu hoa mai với giá 100.000 đồng. Một bó hoa cúc vàng chỉ với 20.000 đồng.

Hoa đại hạ nhưng không có người mua. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. 
Hoa tết bị bỏ lại được nhân viên vệ sinh thu gom lại. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. 

Chị Ánh Đào, bán hoa Tết trên đường Hùng Vương, quận 5, cho biết từ đêm 29 Tết người bán hàng đã phải bỏ hàng loạt cây bị héo úa. Những cây còn tươi bây giờ phải bán giá rẻ thì khách mới mua. Chị cố bán vớt vát những chậu hoa còn lại rồi tranh thủ chạy về Long An cho kịp đón giao thừa cùng con.

Nhi An (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe