Nhiều người cho rằng khi bị cháy nhà nên trốn vào nhà vệ sinh, nhà tắm để đợi cứu hộ, điều này đúng hay sai?

10:55 15/09/2023

Không ít người vẫn cho rằng phòng tắm hay nhà vệ sinh là một nơi tốt để trú ẩn khi xảy ra >hỏa hoạn. Nguyên nhân là vì đây là những nơi có nước, "thủy khắc hỏa", ngọn lửa sẽ không thể lan tới khu vực ẩm ướt này.

Liên tiếp các vụ cháy xảy ra khiến nhiều người lo lẳng (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho hay về mặt khoa học, cách chui vào không gian kín như tủ quần áo hay nhà vệ sinh không phải là tối ưu, thậm chí là phản khoa học.

“Trong phòng kín, dù có xả nước lạnh hay quạt thông gió thì dưỡng khí sẽ mất dần sau khi bị các loại khí độc như CO, HCN, CO2... len vào, xâm chiếm không gian của dưỡng khí", bác sĩ Hoàng cho biết.

Nguy cơ tử vong do thiếu dưỡng khí, phổi có nguy cơ hít phải luồng khí độc như CO, HCN, CO2... và hơi nóng, khiến cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng bởi khí độc và do bỏng niêm mạc đường hô hấp.

"Nạn nhân bị ngạt khí độc nhanh hơn trước khi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ", Bác sĩ Huy Hoàng nói thêm.

Vị bác sĩ cho rằng trong trường hợp đám cháy được dập tắt nhanh chóng, hoặc khí độc chưa xâm lấn quá nhiều, không gây thiếu oxy, không còn cách nào khác để thoát nạn, đây có thể là một cách kéo dài thời gian sống sót, hi vọng được cứu sống. Những người sống sót bằng cách này thật sự rất may mắn vì sớm được cứu bởi nếu thời gian cháy lâu thì việc này càng nguy hiểm.

Theo các bác sĩ, khi xảy ra sự cố cháy, cách phù hợp vẫn là khom lưng, ngồi hoặc bò sát dưới sàn nhà, do đây là vùng không khí có chứa ít khí độc hơn. Đồng thời tẩm khăn/vải ướt che mũi, miệng (trừ phần mắt) để có thể hạn chế tối đa lượng khí độc vào phổi.

"Người dân nên chạy ra ban công, nơi thoáng khí, nếu không xuống được ngay thì nên dựng một tấm mái để nấp dưới đó, khí độc trong nhà bay ra sẽ bay lên cao, vượt lên mái. Ví dụ dùng một tấm đệm gác chéo tạo hình tam giác để người chui xuống dưới", bác sĩ Hoàng khuyên.

Vì khép kín, các nạn nhân có khả năng tử vong cao hơn khi trốn phòng tắm hay nhà vệ sinh (Ảnh: Otago Daily Times)

Còn theo New York Times, khi xảy ra hỏa hoạn, nhiệt độ trong tòa nhà có thể lên đến 1.000 độ C, khiến toàn bộ đường ống dẫn nước bị phá hủy. Không có thêm nước để làm mát, lượng nước lưu lại trong căn phòng sẽ nhanh chóng nóng lên, có thể gây bỏng nặng nề cho những người mắc kẹt.

Mặt khác, dù có tường lát gạch, phụ kiện không cháy và nguồn cấp nước, nhưng phòng tắm giống như các phòng khác, rất dễ bị sập trần.

Bên cạnh đó, phòng tắm hay nhà vệ sinh đều có thiết kế khép kín. Hầu hết các phòng không có cửa thoát hiểm. Nạn nhân sẽ dễ tử vong vì ngộ độc khí carbon monoxide.

Không chỉ vậy, khi ở trong phòng kín, chúng ta sẽ khó quan sát diễn biến của đám cháy cũng như kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài. Từ đó dẫn đến việc nạn nhân không tìm được cơ hội thoát thân hay nhận hỗ trợ từ đội cứu hộ.

Để sống sót qua hỏa hoạn, các chuyên gia cho rằng việc ưu tiên hàng đầu là tìm nguồn dưỡng khí bằng cách nằm sát mặt đất hết mức có thể hoặc lấy khăn thấm nước, che kín miệng và mũi để có thể thở được trong khói.

Thay vì trốn vào phòng kín, nạn nhân nên ra ban công, nơi có nguồn không khí bên ngoài có thể cầm cự được lâu hơn.

Nếu không có ban công, phải tìm căn phòng có cửa sổ, đặc biệt là cửa sổ hướng ra đường. Song người mắc kẹt phải rất thận trọng với việc mở cửa sổ, bởi tay nắm cửa có thể rất nóng và hành động này có thể dẫn đến chênh lệch áp suất khiến khí độc tràn vào phòng.

Nếu có cơ hội thoát ra khỏi đám cháy, cần dùng khăn thấm nước che miệng, mũi và dùng chăn dày hoặc tấm vải lớn nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị bỏng trên cơ thể.

Theo Thúy Ngà/Gia Đình Việt Nam