Sáng hôm nay (20/1) giá vàng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh lên gần lại ngưỡng 77 triệu đồng/lượng.

Q.T.N (TH) 09:01 20/01/2024

Theo thông tin từ Giáo dục và thời đại, sáng hôm nay (20/1) giá vàng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh lên gần lại ngưỡng 77 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá kim loại quý các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng ở mức 74,3 triệu đồng/lượng mua vào và 76,82 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng 300.000 đồng ở cả 2 chiều.

Tương tự, DOJI tại khu vực Hà Nội cũng điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 74,25 triệu đồng/lượng mua vào và 76,75 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.

Vàng miếng Phú Quý SJC đang thu mua với giá 74,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 76,7 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua. Giá vàng miếng thương hiệu PNJ đã được điều chỉnh tăng 300.000 đồng ở chiều mua và 600.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 74,3 triệu đồng/lượng và 76,9 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 200.000 đồng giá mua và 250.000 đồng giá bán lên lần lượt 74,3 triệu đồng/lượng và 76,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng ở mức 74,3 triệu đồng/lượng mua vào và 76,82 triệu đồng/lượng bán ra - Ảnh: Internet

Theo thông tin từ Kinh tế và đô thị, ngày 19/1, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công thương cùng vào cuộc kiểm soát thị trường vàng, sau khi giá vàng miếng liên tục tăng mạnh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24.

Với đề nghị các cơ quan kể trên Ngân hàng Nhà nước mong muốn lập lại trật tự kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng, vàng nguyên liệu thời gian qua đã tăng mạnh. Tuy nhiên, sau thông tin này giá vàng miếng, vàng nhẫn không những giảm mà còn tăng mạnh.

Giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn tăng, nguyên nhân chính vẫn là do căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ. Cùng với đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi tín hiệu có thể thảo luận thời điểm bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 30-31/1 tới. Thị trường dự báo, có thể Fed sẽ cắt giảm lãi suất bắt đầu từ quý 3/2024.

Thông tin dự báo về thời điểm Fed hạ lãi suất đã khiến đồng USD quay đầu giảm. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm 0,11% về mức 102.932 điểm vào lúc 6 giờ 34 phút (giờ Hà Nội). Đồng USD giảm cũng là yếu tố hỗ trợ giá vàng.

Chuyên gia nhận định, giới đầu tư trong nước cần cẩn trọng thời điểm này. Bởi khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Có thể các hành vi thổi giá trên thị trường thời gian qua sẽ được kiểm soát. Do đó giá vàng trong nước có thể sẽ lùi sâu, về gần với ngưỡng của gái vàng thế giới. Nếu như vậy thì giá vàng SJC sẽ mất trên chục triệu đồng so với hiện tại.

Q.T.N (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe