Với mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, người tiêu dùng không tránh khỏi nhiều nỗi lo toan.
Theo quyết định quy định về giá điện được Bộ Công Thương ban hành, giá bán lẻ điện bình quân được tăng lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) từ ngày 9/11.
Như vậy, giá bán điện mới được áp dụng từ ngày 9/11 đã tăng thêm 4,5% so với giá bán lẻ hiện hành là 1.920,3 đồng.
Quyết định của Bộ Công Thương đã quy định cụ thể giá bán điện cho từng nhóm khách hàng.
Trong đó, đối với khách hàng dùng điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện được áp dụng cho 6 bậc. Bao gồm, bậc 1 từ 0 - 50 kWh là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 từ 51 - 100 kWh là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 từ 101 - 200 kWh là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 từ 201 - 300 kWh là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 là 3.050 đồng/kWh. Bậc 6 áp dụng cho 401 kWh trở lên có giá là 3.151 đồng/kWh.
Đánh giá về tác động của việc tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh EVN cho biết, mỗi tháng đối với khách hàng sử dụng bậc 1, tiền điện tăng thêm là 3.900 đồng; bậc 2 tăng thêm là 7.900 đồng; bậc 3 tăng thêm là 17.200 đồng; bậc 4 tăng thêm tối đa là 28.900 đồng; bậc 5 số tiền tăng thêm là 42.000 đồng; bậc 6 có tiền điện tăng thêm là 55.600 đồng.
Thông tin >giá điện tăng từ ngày 9/11 đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng, ái ngại. Vì với mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tiền điện trả thêm của các hộ dân là không đáng kể nhưng rất có thể hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên. Giữa thời buổi khó khăn như hiện nay thì đây là mối lo lớn với không ít người.
Chị Thu Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Cứ nhìn hệ lụy của việc giá xăng tăng gần đây thì sẽ thấy người dân bị tác động như thế nào. Vì cũng như xăng, điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bất kỳ hộ gia đình nào. Không những thế, nó còn tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác. Chính vì vậy, việc tăng hoặc giảm giá điện có thể sẽ kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu đắt đỏ thêm".
Chị Phương còn e ngại rằng, việc giá điện tăng còn bị coi là "cái cớ" để hàng hóa thiết yếu "tát nước theo mưa" và thiết lập mặt bằng giá cả mới.
“Như năm ngoái, giá xăng liên tiếp tăng và đắt kỷ lục, ngay lập tức, giá cả loạt hàng hóa từ mớ rau, con cá cho đến bát phở, bát bún...cũng tăng theo và thiết lập nên một mặt bằng giá mới. Đáng nói là khi giá xăng hạ "nhiệt" thì các loại hàng hóa trên vẫn chây ỳ không giảm hoặc giảm nhỏ giọt và chắc chắn không bao giờ quay lại mức giá cũ.
Bây giờ đến điện tăng giá, tôi thực sự lo lắng không biết các mặt hàng thiết yếu có lại ào ạt tăng giá theo như hiệu ứng đã từng xảy ra với giá xăng dầu hay không. Cuối cùng vẫn là người tiêu dùng chịu thiệt nhiều nhất”, chị Phương giãi bày.
Chung dòng cảm xúc khi giá điện tăng, anh Minh Nhật thuê nhà tại khu vực Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện anh đang ở nhà thuê, chủ cho thuê tính giá điện khoảng 3.800 đồng/kwh. Biết là cao nhưng anh T. vẫn phải chịu đựng nhiều năm nay không biết kêu ai.
“Tôi còn biết một số người bạn của tôi bị tính giá điện hơn 4.000 đồng/kwh khi thuê nhà. Nếu giá điện lại tăng, các chủ thuê lại lấy cớ tăng thêm tiền điện sinh hoạt thì càng khó sống.
Chi phí sinh hoạt, ăn uống từ sau dịch đến giờ cái gì cũng tăng, bây giờ đến giá điện còn tăng nữa trong khi đồng lương chỉ có vậy, không tăng thêm đồng nào thì thật khó khăn", anh Nhật thở dài.
Không giấu nổi những bức xúc và lo lắng khi giá điện thông báo tăng, chị Nguyễn Thị Ngân - công nhân tại một khu công nghiệp ở Hà Nội cho rằng: “Sau cùng chỉ có người dân lao động, công nhân, viên chức sống chỉ dựa vào đồng lương cố định là chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Giá điện tăng rồi lại kéo theo các hàng hóa nhu yếu phẩm, giá phòng trọ lại tăng theo, trong khi lương thì cứ đứng im tại chỗ. Chúng tôi lại phải thắt lưng buộc bụng và mọi nhu cầu tối thiểu nhất cũng phải chi tiêu hạn chế”.