Những cặp mắt kính lờ đờ vì học ngày học đêm. Đám trẻ, đứa nào đứa nấy mặt mũi xanh xao, rũ rượi vì mất ngủ, lo lắng trước "cuộc chiến" lớp 10.

Quỳnh Anh (T/h) 06:41 19/04/2024

Thi lớp 10 công lập ở thành phố trở thành một... cuộc chiến

Buổi sáng cách đây gần một năm, lúc đang đi thang máy, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của hai ông bố. Ông bố thứ nhất nói: “nhà tôi như vừa trút được gánh nặng. Cháu thứ hai đỗ lớp 10 công lập rồi”. Khoe thành tích của con mà giọng người cha nặng trĩu, tựa như vừa giải tỏa một áp lực lớn trong đời.

Nghe chuyện, ông bố thứ hai thở dài, giọng buồn thườn thượt: “sang năm lại đến nhà tôi. Rồi chẳng biết cháu nó có đỗ được hay không? Thằng bé học hành lơ mơ lắm. Bí quá có khi phải cho ôn thi lại năm nữa”.

Tôi đem câu chuyện trên về nhà kể với vợ mình kèm lời phàn nàn về áp lực học hành thi cử. Nhưng chưa kịp dứt lời, vợ tôi đã chặn họng: “áp lực mới tạo ra kim cương. Nhà mình cũng sang năm đấy, đừng tưởng đó chỉ là chuyện nhà người ta. Anh cứ như người trên trời”.

Quả tình, tôi đúng là người… trên trời thật. Lâu nay, việc học của con, khoán trắng cho vợ. Thi thoảng tôi chỉ hỏi qua loa, đại khái xem các con đi học có vui không, bây giờ còn phải làm văn mẫu như thời bố ôn thi bộ đề hay không?

Nghe vợ kể về “cuộc chiến lớp 10”, tôi từ từ "rơi xuống mặt đất". Theo cô ấy thì lớp 10 bây giờ mới là kỳ thi lớn nhất cuộc đời chứ không phải đại học. Đỗ lớp 10 tổ chức ăn liên hoan chứ đại học bây giờ có trường còn… đánh giấy mời về tận nhà.

Chuyện gì đến rồi cũng đến. Năm nay, cuộc chiến lớp 10 xảy ra tại chính gia đình tôi. Vợ tôi dồn áp lực một nửa cho chồng bằng cách giao cho tôi tìm hiểu các kỳ thi lớp 10 công lập từ khảo sát chất lượng đến thi chính thức.

Ngày đầu đưa con đi thi khảo sát chất lượng lớp 10 (thi thử), tôi dặn cháu cứ thoải mái làm bài, không phải chịu áp lực gì cả. Nếu có sai thì vẫn còn cơ hội để sửa trong kỳ thi thật. Nói là vậy nhưng tôi cảm nhận rõ sự lo lắng của con gái. Nhìn vào mắt của hàng ngàn phụ huynh đứng chờ con ở cổng trường, tôi hiểu vì sao vợ mình lại lo lắng đến vậy.

Mới thi thử thôi nhưng người xe đã chật như nêm. Xe máy, ô tô phải nhích từng centimet mới có thể đến được cổng trường. Những cặp mắt kính lờ đờ vì học ngày học đêm. Đám trẻ, đứa nào đứa nấy mặt mũi xanh xao, rũ rượi vì mất ngủ, lo lắng. Cho thấy, thành phố nơi tôi sống sắp xảy ra một cuộc chiến cam go như thế nào.

Kỳ thi tuyển đầu vào bậc trung học phổ thông đã không còn phổ thông, phổ cập

Theo thống kê sơ bộ, một thành phố ở miền Trung năm nay có khoảng 6.000 học sinh THCS dự thi vào lớp 10 nhưng chỉ tiêu học sinh công lập chỉ là 2.600. Nghĩa là sẽ có hơn 3.000 em phải vào các trường dân lập hoặc Trung tâm GDTX và dạy nghề. Có những thành phố vài chục năm chưa có thêm một trường THPT công lập nào, bất chấp địa giới hành chính mở rộng và dân số tăng thêm.

Vợ tôi đặt ra yêu cầu, phải cho con gái thi thử tất cả các trường THPT công lập trên địa bàn, kể cả trường chuyên. Mục đích là để rèn luyện, kiểm tra xem năng lực của con đến đâu để còn đăng ký thi chính thức phù hợp. Bởi chỉ cần “mua hồ sơ” đăng ký dự thi sai, đánh giá năng lực không đúng, con hoàn toàn có thể trượt cấp 3 công lập.

Con gái tôi, theo nhận xét của cô giáo, học lực khá tốt, có thể thi đỗ vào một trường THPT top đầu của thành phố. Tuy nhiên, thi cử luôn có sai số nên việc lựa chọn đăng ký thi trường nào với cháu tiếp tục là một cuộc chiến trong gia đình.

Từ đầu năm đến nay, trong các bữa cơm gia đình, chuyện thi cử của con trở thành chủ đề xuyên suốt. Dù cả hai vợ chồng đều cố gắng không gây áp lực cho cháu nhưng nói như vợ tôi thì nhà mình năm nay còn chuyện gì lớn hơn chuyện con gái thi lớp 10. Cũng vì thế, chuyện học thêm, học chính, đề thi, trường thi choán hết các chuyện khác trong nhà.

Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 tới đây sẽ không đi đâu hết. Tất cả dồn sức cho cuộc chiến ở phía trước. Vợ tôi nhắc đi nhắc lại điệp khúc ấy như là cách để kìm hãm sự háo hức của lũ trẻ về kỳ nghỉ lễ.

Buổi tối, phòng học của con lúc nào cũng sáng đèn đến khuya. Có những hôm buổi sáng, nếu không gọi cháu có thể sẽ ngủ quên vì mệt. Trên đường đưa cháu đi học, tôi cố gắng tìm câu chuyện khác để nói nhưng quay đi quay lại vẫn là chuyện kỳ thi vào lớp 10.

Nhớ lại thời chúng tôi đi học hơn 30 năm trước. Lớp 10, cấp 3 thực sự là những khái niệm “phổ thông”. Nghĩa là, trừ số ít trường hợp quá kém, đa số học sinh lớp 9 đều đỗ lớp 10. Thời đó, đại học mới là giấc mơ, còn lớp 10 chỉ là một kỳ thi bình thường. Còn bây giờ, trường THPT co lại để phục vụ việc tinh giản biên chế, trong khi số lượng học sinh lại tăng thêm khiến áp lực thi cử càng lớn.

Có ý kiến cho rằng, việc không tăng số lượng trường THPT là một cách để khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Để các trường THPT dân lập hình thành, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc duy trì các Trung tâm GDTX, dạy nghề cũng là cách để hướng nghiệp học sinh sớm, giúp các em có lựa chọn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh.

Thực tế, những năm gần đây, các trường dân lập được đầu tư lớn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, về cơ bản, ngoại trừ các thành phố lớn, gia đình có điều kiện mới có thể cho con theo học những trường ngoài công lập chất lượng cao còn đa số vẫn không thể. Vì thế, lớp 10 thực sự là cuộc chiến theo cả hai nghĩa với các gia đình có điều kiện kinh tế trung bình ở thành thị.

Theo Quang Duy/Gia đình Việt Nam