Hình ảnh các sinh viên khác cùng đội ngũ y tế của trường đã hỗ trợ đưa em sinh viên bị đột quỵ đến bệnh viện cấp cứu đang nhận được cơn mưa lời khen từ cộng đồng mạng.
Theo thông tin từ VietNamNet, chiều 6/6, thầy Trương Thế Quy – Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế), cho biết sinh viên của trường đang thay nhau túc trực tại Bệnh viện Trung ương Huế để hỗ trợ một sinh viên không may bị đột quỵ trong giờ học.
Theo đó, vụ việc xảy ra vào sáng nay, trong lớp học của trường. Thời điểm trên, em Phạm Thị N. (quê Thanh Hóa) sinh viên năm 2, Khoa Ngữ Văn, Trường >ĐH Sư phạm Huế, đang học trong lớp thì bất ngờ bị đột quỵ.
Clip: VietNamNet
Phát hiện sự việc, các sinh viên trong lớp thông báo với giảng viên, kịp thời phối hợp với tổ y tế nhà trường nhanh chóng gọi xe cứu thương, cáng bạn ra xe chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.
Sự việc cũng được thầy Trương Thế Quy đăng tải lên trang facebook cá nhân, nhận được sự chú ý của người dùng mạng xã hội. Theo thầy Quy, hiện em N. được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế và dự tính phải mất thời gian dài mới hồi phục.
“Gia đình em N. có hoàn cảnh rất khó khăn. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã liên lạc và bố của em đang đi xe khách từ Thanh Hoá vào Huế. Trước mắt, nhà trường đang cử các sinh viên túc trực tại bệnh viện để giúp đỡ nữ sinh qua cơn hoạn nạn” - trích lời thầy Quy chia sẻ với VietNamNet.
Dẫn tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, theo khuyến cáo của chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến điều kiện tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12 giờ đến 16 giờ, nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ dịu hơn. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ có nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài thì cố gắng mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Theo các bác sỹ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là:
- Rối loạn ý thức;
- Méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được,
- Đột ngột mất thị lực;
- Liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn;
- Chóng mặt bất thườngđau đầu dữ dội.
Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở.
Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.