Hình ảnh buổi ăn sáng của vài công chức ở một quận nổi tiếng giàu nhất nước diễn ra theo một "kịch bản" đầy nhiễu động lưu lại trong tôi nhiều suy nghĩ.

09:20 25/03/2018

Đầu giờ sáng tôi có hẹn ở tiệm cà phê tại một góc đường Quận 1. Bên kia đường có những quán ăn vỉa hè, thực khách là những người mặc đồng phục ngành Kiểm sát, màu áo xanh của Đoàn, vài người mặc đồ công sở, một số thấy đi bộ ra từ Phòng Công chứng đối diện...

Mọi người đang hì hụp tô bún, hủ tiếu... thì người phụ bàn kêu to: "công an, công an" làm cả góc phố nháo nhào. Có người bưng tô đứng ăn, có người kéo cái cái ghế nhựa lùi sát vách tường, một tay bưng tô tay kia vừa cầm đũa vừa kẹp cái muỗng ăn tư thế khó khăn, có người bỏ dở đứng dậy tính tiền, mắt nhìn thất thần về phía lực lượng dân phòng đang ào ào nhảy xuống từ một chiếc xe bán tải...

Cũng tại góc đường này, đã có lần tôi ghé mua một ổ bánh mì, thấy một anh mặc đồng phục trật tự đô thị cũng dừng xe mua, anh đến sau tôi nhưng chị chủ quán nói cười “thảo mai”, ưu tiên ra hàng trước...

Hình ảnh buổi ăn sáng của vài >công chức ở một quận nổi tiếng giàu nhất nước diễn ra theo một "kịch bản" đầy nhiễu động lưu lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Suy nghĩ về phẩm giá con người, suy nghĩ về một định chế quản trị đô thị thiếu khoa học của nhà chức trách nhiều nhiệm kỳ và hệ lụy của nó... Tôi tự hỏi: "Sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ?"!

Sau vài phút "ào ào như sôi", chủ quán bị các anh trật tự đô thị hặm hẹ các kiểu... khi chiếc xe chạy đi thì hàng quán lại đâu vào đấy, khách / chủ í ới gọi món, tính tiền, người xe vào ra rộn ràng.

Ảnh minh họa: Cảnh quán ăn lấn vỉa hè ở quận 1. Nguồn: Báo tin tức

Xong hẹn tôi đi bộ ngược lên con phố khác thì gặp cảnh một bác tài taxi mở cửa xe đứng tiểu tiện ngay trên đường sát vỉa hè. Vài khách bộ hành đang rảo bước, có cả phụ nữ người nước ngoài vội "bẻ lái" đi xuống lòng đường để tránh nhìn điều oái ăm!

Một "shot hình" khác: Cách đây không lâu tôi đưa một người quen ra sân bay về nước. Về tới “bển” bạn nhắn tin kể đi vệ sinh ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn quanh nơi cánh cửa chỗ gắn móc áo thường thấy chỉ còn hai cái lỗ đinh. Gửi hình 2 cái lỗ đinh trơ trọi bạn “thả” dấu gương mặt cười mếu!

Câu chuyện của bạn làm tôi "để bụng". Có việc vào một tòa nhà văn phòng nổi tiếng, khi đi vệ sinh thì nhận thấy không chỉ cái móc áo mà cái tay cửa cũng không còn. Có dịp đi ăn, mua sắm ở một số khu hạng A... tình trạng cũng giống như vậy. Hỏi chuyện, một anh bảo vệ cười "nhẹ tênh" nói: "lâu rồi, không cánh mà bay"!

Tôi từng đọc trên báo VietNamNet một khảo sát của ĐH Nottingham (Anh quốc) cho thấy >người Việt Nam thuộc nhóm cuối bảng về tính trung thực, cùng với người Trung Quốc, Tanzania... Nghiên cứu cũng chỉ ra xu hướng người dân có tính trung thực cao hơn ở những xã hội ít tham nhũng, trốn thuế và ít gian lận chính trị...

Sự thiếu trung thực diễn ra ở nhiều mức độ, làm xói mòn lòng tin vào con người, vào chính quyền. Be bé thì chuyện ăn cắp cái móc áo, cao hơn chút là tham nhũng vặt ở chốn công quyền, CSGT “làm luật”, cao hơn nữa là bảo kê đánh bạc, tham nhũng biến tướng ở chính những người chống tội phạm, chống tham nhũng…

 

Ở Thành phố, nhiều dự án nhỏ và lớn đã và đang được "sáng tạo", kiều diễm hoành tráng... Những khối bê tông khô khan hình hộp diêm vươn rất nhanh chinh phục tầm cao, càng cao càng mau thành triệu - tỷ phú. Dự án Đô thị thông minh cũng đang được Thành phố gấp rút hoàn chỉnh để đưa vào thí điểm, với những khu vực thực hiện đầu tiên là quận 1, quận 12...

Nhưng cái móc áo trong nhà vệ sinh vẫn tiếp tục bị mất cắp, buổi ăn của những công chức nhà nước đầy bất an, và phố xá cũng vẫn sẽ tràn ngập rác sau một lần lễ hội...

Thành phố đang thiếu những công trình kiến trúc có tính nhân văn, thiếu nghiêm trọng công viên mảng xanh và sông, hồ. Ngay cả những công trình tôn giáo mới xây cũng nhận thấy cái cốt phô trương hình thức, trong khi không ít những "khu đất vàng" rơi vào tay nhà đầu tư mà lời nói và hành động trái ngược nhau về tầm nhìn và trách nhiệm xã hội.

Tôi đã không thể đưa ra lời khuyên cho một học sinh khi em tâm sự: Đề văn cô ra "viết về kỷ niệm đẹp gắn bó với địa danh nơi em sống", con nghĩ hoài mà không biết viết địa danh nào, viết "bịa" có được không?

Còn nhớ, trong một hội thảo về xây dựng TP.HCM thành “thành phố sống tốt”, có chuyên gia kiến nghị, muốn xây dựng thành phố sống tốt trước tiên cần tổ chức tốt >đời sống tinh thần cư dân đô thị. Bởi theo ông, thành phố ngổn ngang, lộn xộn, thiếu văn minh có nguyên nhân là do sự phát triển văn hóa và con người không theo kịp tốc độ đô thị hóa, thiếu tác phong công nghiệp.[1]

Quả vậy! Phải chăng chúng ta đang mất bình tĩnh trong cuộc chạy đua với các chỉ tiêu kinh tế mà bỏ bê nhiệm vụ nâng cấp “hạ tầng con người”, làm ngơ các yêu cầu nhân văn...? Không lực lượng máy móc nào vận hành hoạt động đô thị hiệu quả cho nổi khi mỗi công dân thất bại trong việc làm chủ ý thức của mình!

 

Theo Trúc Nguyễn/ Vietnamnet