Từ ngày 01/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp...
Ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ> tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó, đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.
Người sử dụng lao động nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động trong thời gian qua là để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các hoạt động kinh tế đã diễn ra bình thường, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/10/2022 quay lại như trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp đủ để chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Như vậy, từ ngày 01/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Khi đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, mức đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/10/2022 với người lao động và người sử dụng lao động như sau:
- Người sử dụng đóng 21,5% (gồm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 3% vào quỹ bảo hiểm y tế).
- Người lao động đóng 10,5% (gồm 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ bảo hiểm y tế).
Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành NN&PTNT sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 06/10/2022.
Theo đó, các ngạch công chức ngành NN&PTNT áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:
- Ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
- Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
- Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm soát viên trung cấp đê điều, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
>Mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000 đồng/tháng.
Cách xếp lương viên chức ngành thông tin và truyền thông
Thông tư 13/2022/TT-BTTTT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.
Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư 13/2022/TT-BTTTT, các chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, như sau:
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Việc xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức mới thuộc ngành thông tin và truyền thông được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV.
Bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức Lưu trữ
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 07/2022/TT-BNV về chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ, có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.
Theo đó, trong quy định về tiêu chuẩn trình độ, đào tạo bồi dưỡng với các chức danh viên chức ngành lưu trữ thì không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với từng vị trí.
Hiện hành, tại Thông tư 13/2014/TT-BNV yêu cầu từng chức danh phải đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học tùy theo hạng,
Đơn cử như đối với chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên hạng III (Mã số: V.01.02.02) phải:
- Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Công chức trong các cơ quan, tổ chức làm công tác lưu trữ được áp dụng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ theo văn bản để thực hiện.
Trên đây là chính sách BHXH, tiền lương, công chức, viên chức từ tháng 10/2022.