Nếu internet đã thay đổi mạnh mẽ vai trò của người thầy thì nay sự nổi lên của phần mềm biết trò chuyện ChatGPT giống như một chuyên gia có thể tư vấn hay giải đáp đủ thứ trên giời dưới biển, khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về nhu cầu thay đổi tư duy và kỹ năng của người giảng dạy để đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo hiện nay.

Linh Chi (t/h) 22:57 30/03/2023

"1 cộng 1 bằng mấy?" – một người đặt câu hỏi cho ChatGPT. "1 cộng 1 bằng 2." "Sai rồi. 1 cộng 1 không phải bằng 2." "Theo dữ liệu của chúng tôi, 1 cộng 1 bằng 2." "Không phải. bạn sai rồi. Vợ tôi nói 1 cộng 1 bằng 3." "Vâng, xin lỗi bạn. Tôi sai rồi. Để tôi cập nhật. Đúng là 1 cộng 1 bằng 3. Cảm ơn bạn đã cập nhật cho tôi."

Đó có thể là một ví dụ mang tính cực đoan, nhưng không xa so với sự thật nhiều lắm. Sự thật là ChatGPT là một trí tuệ nhân tạo ở phiên bản cao cấp hơn, mang tính đàm thoại "như người" nhiều hơn. Do startup OpenAI phát triển, ChatGPT được dự báo sẽ cách mạng hóa việc tìm kiếm trên Internet, bằng cách cung cấp những thông tin người tìm cần thông qua các cuộc đối thoại như giữa người với người, chứ không lạnh lùng như người với màn hình trước đây.  Đặc biệt, GPT-4, phiên bản mới nhất mà OpenAI công bố, được quảng bá là "sáng tạo hơn, đáng tin cậy hơn và đưa ra nhiều hướng giải quyết vấn đề hơn" GPT-3.5, và đặc biệt là có khả năng phân tích cả hình ảnh.

ChatGPT sẽ tạo ra cuộc cách mạng thay đổi xã hội loài người và cũng tạo ra nhiều nguy cơ mới. Ảnh: T.L

Cũng như bất kỳ công cụ nào đã từng xuất hiện trong xã hội loài người đều luôn có nhiều mặt. Có thể rất hữu ích trong trường hợp này, nhưng sẽ trở thành rất có hại trong nhiều trường hợp khác. Làm thế nào để vận dụng, sử dụng một cách phù hợp để đạt được mục đích của mình, giúp mình nâng cao kỹ năng, hiểu hơn về thế giới mình đang sống, để tồn tại, sống tốt, thích ứng và đóng góp. Đó mới là những thứ khó khăn và đòi hỏi sự thay đổi trong góc nhìn, tư duy và hành động thực tiễn của người dạy và người học ở môi trường giáo dục.

Là một người đi dạy trong môi trường đại học, ChatGPT đem lại cho tôi nhiều hứng thú. Nhìn ở điểm tích cực, cùng với các công cụ giúp người học tiếp cận nhiều thông tin ở nhiều hướng khác nhau (sách giáo khoa, sách tham khảo, các trang web trên Internet, thư viện nhà trư ờng, YouTube, Tiktok…), việc có thêm một công cụ nữa sẽ càng giúp cho người dạy có nhiều thời gian hơn để tổ chức các giờ trao đổi, bàn luận, phản biện với người học.

Giờ dạy học không còn là dạy và học, người dạy không chỉ dạy, và người học không chỉ làm tiếp nhận thông tin. Hơn bao giờ hết, việc tương tác giữa người dạy và người học phải được chuyển đổi thành các cuộc bàn luận, tranh luận, trao đổi thông tin giữa nhiều phía, giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau, phản chiếu giữa những gì viết trong giáo trình, slide giảng dạy (mà có thể đã rất lạc hậu với hiện thực trước mắt). Đây là một con đường mở, mỗi người sẽ đến đích theo một cách khác nhau, với những tiêu chuẩn khác nhau.

Do đó, hoạt động của người dạy ở môi trường chính thống thay đổi. Thứ nhất, người dạy phải thực sự nắm vững được nội dung cần truyền đạt. Ở các môi trường theo hướng hiện đại, người học được yêu cầu tìm hiểu về nội dung học, đọc giáo trình hay sách tham khảo trước khi đến lớp, thậm chí làm việc nhóm hay làm việc cá nhân để tìm hiểu nội dung, thuyết trình, tranh luận với nhau trên lớp về những vấn đề / chủ đề của buổi học. Không có chuyện thầy đọc trò chép khi mọi thông tin mang tính nền tảng (ai, cái gì, ở đâu, khi nào) đều đã có thể dễ dàng tiếp cận qua sách vở, Internet, trên các trang chính thống, có thẩm quyền. Người dạy từ vị trí "trung tâm của vũ trụ" trong việc cung cấp kiến thức cho trò, giờ trở thành một phần trong vô số nguồn kiến thức mà người học tiếp nhận. Vậy vai trò tiếp theo của người dạy là làm gì khi bối cảnh thay đổi như vậy?

Phải thay đổi cách dạy và cách đánh giá người học cho phù hợp với sự phát triển của Al, trong đó có sự hiện diện của ChatGPT. Ảnh: T.L

Làm gương. Nghe có vẻ rất khó làm, và quả đúng rất khó làm. Nhưng đó luôn là những gì xã hội kỳ vọng với những người từ xưa tới nay vẫn đứng ở vai trò truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm. Xã hội châu Á đặt vai trò của người thầy luôn là một nghề cao quý, tốt đẹp, vì dạy "làm người". Người học không còn đòi hỏi người dạy "cái gì cũng phải biết" khi tốc độ và số lượng thông tin được sinh nở vượt qua khả năng tiếp nhận của bất kỳ cá nhân nào, dù là thông thái đến đâu. Nhưng với sự tò mò, ham hiểu biết, kiến thức và mối quan hệ rộng rãi trong xã hội, người dạy có thể hướng dẫn người học tìm đến những nguồn kiến thức chất lượng, đáng tin cậy. Đó mới là thứ cần đến sự chiêm nghiệm, kinh nghiệm, trải nghiệm, trí tuệ khôn ngoan mà không có máy móc nào có được. Ai, cái gì, ở đâu, khi nào giờ đây vẫn quan trọng, và dễ tìm kiếm, nhưng quan trọng hơn, và khó tìm kiếm hơn là như thế nào và điều đó có ý nghĩa như thế nào. 

Gợi cảm hứng cho người học. Hành trình học tập là một hành trình cả đời. Không bao giờ có đích đến. Con người càng học càng biết kiến thức của mình là hữu hạn. Vậy thì sau những giao tiếp trên lớp học, giờ ngoại khóa, làm thế nào để người dạy giúp người học hiểu rằng việc có mặt trong môi trường không gian học tập chính thức chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình học tập và tu dưỡng cả đời mình. Học không phải chỉ để tốt nghiệp, để có cái bằng, mà là khởi đầu cho một tinh thần và một tư duy rằng việc học sẽ không dừng lại.

Cung cấp không gian an toàn để người học mắc lỗi và học được từ lỗi của mình. Môi trường học tập tốt là nơi người học được thoải mái thể hiện những kiến thức và hiểu biết của mình, mà không sợ bị phán xét đúng sai. Người học được lắng nghe, được tôn trọng, được thảo luận với người dạy và với bạn học về những suy nghĩ của mình. Quá trình đó sẽ giúp mở rộng kiến thức, giúp người học tự tin tìm kiếm những kiến thức tiếp theo, giúp hình thành tư duy và đường hướng mà họ tin tưởng. Trong môi trường này, điều quan trọng là lắng nghe, mở đường, không phán xét.

Khích lệ và động viên: "Em đã rất cố gắng." "Em đã nghiêm túc với bài tập này, và cô nhận thấy em thực sự rất muốn hiểu hơn về vấn đề này." "Góc nhìn của em còn chưa đầy đủ. Cô hi vọng em đã có thêm được những hiểu biết từ những góc nhìn của các bạn khác, và từ đó giúp cho kiến thức của mình được đầy đủ hơn. Và đây có thể là những bước đầu tiên trong quá trình em tìm hiểu về nghề nghiệp chuyên môn này." Đó có thể là những câu trao đổi rất phổ biến trong một môi trường có tính chất khích lệ và động viên để người học tiếp bước. Trong môi trường này, không có chỗ cho thái độ "chỉ có ta là đúng." Thế giới đa dạng và rộng lớn hơn thế.

Hướng dẫn thực hành.  Đây là một phần rất hay và sẽ chỉ làm được nếu người học tự tìm hiểu những gì có tính lý thuyết, và chỉ thảo luận, đặt câu hỏi những gì mà họ không hiểu, hoặc người dạy sẽ đặt các câu hỏi mang tính "ngẫu nhiên" để kiểm tra sự hiểu của người học về các chủ đề nhất định. Người dạy và người học có nhiều thời gian hơn để thực hành. Ví dụ trong môn "giao tiếp trong môi trường chuyên nghiệp", người học có thể phân tích về cách phục sức của mình hay của bạn học mình trong trường hợp họ cần đến để phỏng vấn xin việc / thực tập. Một chiếc áo hơi nhàu nhĩ có chấp nhận được không? Một mái tóc đã lâu không cắt có nên không? Một mùi nước hoa rất đậm thì có thể lấy đi cơ hội tuyển dụng thế nào?

Thấu hiểu và kết nối từ trái tim đến trái tim con người. Sự sáng tạo, khác biệt, độc đáo mà mỗi cá nhân có thể thể hiện trong quá trình học tập ở môi trường giáo dục chính thức, và từ đó có thể tiếp tục trong môi trường gia đình, xã hội mới là đích đến cao quý của môi trường dạy học thời nay, khi xã hội loài người đã tiến xa khỏi giai đoạn công nghiệp hóa hay hậu công nghiệp. Những sự lắng nghe, thấu hiểu, những cái vỗ vai, hay nụ cười ánh mắt khích lệ của người dạy với người học sẽ đặt những viên gạch thiết yếu và vững chắc để người học tự mình tiếp tục đi trên con đường tìm kiếm kiến thức cuộc đời cho mình. Sự ấm áp tình cảm của người dạy mới là thứ mà người học sẽ nhớ suốt đời.

Theo Khổng Loan/ Tổ Quốc