Tại lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Hành chính Quốc gia, Nguyễn Công Bách “lọt thỏm” trong hơn 3.300 tân sinh viên. Chàng sinh viên năm nhất ngành Kinh tế, Khoa Quản lý kinh tế này chỉ cao 1,34m và nặng 27,5kg.
Theo thông tin từ VietNamNet, Nguyễn Công Bách (xã Châu Phong, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) chỉ cao 1,34m và nặng 27,5kg, gây chú ý tại lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Hành chính Quốc gia.
Bách kể, hồi bé, mọi người chỉ nghĩ em bị còi xương. Lớn hơn chút, Bách đi khám và được kết luận suy tuyến yên, thiếu hoóc môn tăng trưởng. Nhưng thiệt thòi về thể hình chưa phải là tất cả khó khăn với Bách. Tân sinh viên sinh năm 2006 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố mẹ ly hôn lúc em 3 tuổi. Sau đó, Bách sống cùng mẹ và ông bà ngoại tại Bắc Ninh, kinh tế cả gia đình chỉ trông vào làm nông và những bó rau, hoa quả mẹ bán ở chợ.
Thế nhưng nghiệt ngã cuộc đời chưa dừng lại với Bách. Năm nam sinh học lớp 11, mẹ em bị tai nạn giao thông dẫn đến đuối nước và ra đi mãi mãi. Cũng từ đó, Bách chỉ còn biết nương tựa vào ông bà ngoại.
Tất cả những điều đó không làm nam sinh nhỏ bé gục ngã. “Em từng thấy rất buồn nhưng càng như vậy em càng tự nhủ phải vươn lên, phải đi học mới có thể thay đổi tương lai. Em chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc”, Bách tâm sự.
Ở mùa tuyển sinh năm 2024, Bách thi được 24,5 điểm khối A07 (Toán, Lịch sử, Địa lý); trong đó Toán 8; Lịch sử 8 và Địa lý 8,5. Cộng thêm điểm ưu tiên, Bách có tổng 24,63 điểm và trúng tuyển ngành Kinh tế (điểm chuẩn 24,6) của Học viện Hành chính Quốc gia.
“Em chọn Học viện Hành chính Quốc gia vì qua tìm hiểu cảm thấy môi trường phù hợp với bản thân. Em suy nghĩ đơn giản rằng tốt nghiệp ngành Kinh tế sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”, Bách chia sẻ. Nam sinh cho hay, khi đến nhập trường và những ngày đầu đi học, nhiều người tỏ ra bất ngờ với ngoại hình bé tẹo của em. “Nhiều thầy cô và các bạn còn nhầm tưởng em là học sinh tiểu học đi theo anh chị đến trường đại học chơi”, Bách kể.
Dù vậy, song Bách không hề tự ti. Điều nam sinh rất vui là ở môi trường đại học, em được thầy cô và các bạn nhiệt tình giúp đỡ trong mọi việc. “Từ sinh hoạt cho đến lấy đồ ăn, việc gì em không làm được, các bạn đều hỗ trợ”, Bách cười.
Bách cho hay, hồi THPT, em chỉ thuộc top trung bình khá của lớp. Nhưng ở bậc đại học, em sẽ quyết tâm học thật tốt, hy vọng có thể giành học bổng.
Bách nói, ngoại hình không phải là vấn đề với bản thân, điều em lo ngại nhất là tiền để trang trải việc học và phí sinh hoạt. Em cũng cố gắng tiết giảm nhất có thể trong chi tiêu.
Hiện, Bách đã đăng ký ở ký túc xá của Học viện với khoảng 250 nghìn đồng/tháng. Tiền ăn và sinh hoạt, Bách ước tính khoảng 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay, gia đình vẫn chu cấp đủ cho em, song Bách không biết có thể trụ được đường dài. Em cũng đã nghĩ đến việc đi làm thêm. “Nếu xin được việc, em muốn đi làm thêm để chia sẻ gánh nặng với ông bà”, nam sinh bộc bạch. Bách hy vọng, với việc gia đình vào diện hộ nghèo, em sẽ được nhà trường miễn giảm học phí để yên tâm học tập.
Theo thông tin từ báo Bình Phước, Nguyễn Thế Huy (ở tổ 1, ấp 5, xã Tân Khai, Hớn Quản) có thể trạng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhìn thấy Huy hồn nhiên, chăm ngoan, học giỏi ba mẹ rất mừng. Bước sang năm lớp 2, Huy bắt đầu có những biểu hiện sốt cao vào mỗi buổi chiều và đầu nổi sảy. Chị Lê Thị Kim Hà, mẹ Huy cho biết: “Nghĩ bị sốt bình thường, nên đưa con đến trạm xá gần nhà khám và lấy thuốc về uống. Sau một tuần uống thuốc, bệnh không giảm, cơn sốt cứ hành hạ Huy mỗi buổi chiều. Gia đình đưa Huy lên Bệnh viện Đa khoa Bình Long chữa trị. Tôi hết sức bàng hoàng khi biết con mình mang căn bệnh y học chưa có thuốc đặc trị - viêm dạng thấp thể nhiều khớp, ngoài ra còn bị hở van tim hai lá”.
Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh quái ác, nên Huy chỉ biết tìm đến sách vở làm bạn, học để quên đi đau đớn, mặc cảm. Dù bị đau Huy vẫn cố gắng học, không ít lần đang ngồi học bị ngã xuống vì quá đau. Thầy cô và bạn bè lại đem Huy xuống phòng y tế của trường nằm nghỉ. 12 năm vật lộn với căn bệnh, cũng chừng ấy năm. Thành tích học tập của em luôn đứng tốp 10 của lớp. Trong 12 năm có 10 năm liên tục em là học sinh giỏi toàn diện. Hàng ngày, Huy vẫn tự đến trường. Những hôm cơn đau hành hạ, em nhờ người thân, bạn bè đưa đón. Huy tâm sự: “Một buổi không đến trường em thấy tiếc lắm vì sợ không theo kịp bài vở và ảnh hưởng đến thi đua của lớp”.
Rời mái trường cấp 3, Nguyễn Thế Huy một lần nữa khiến ba mẹ vui mừng xen lẫn lo lắng. Năm học 2013-2014, Huy thi đậu Đại học Sài Gòn chuyên ngành Tài chính kế toán. Bước vào cuộc sống sinh viên là bắt đầu những chuỗi ngày em phải sống tự lập. Huy nói: “Trước đây ở nhà có ba mẹ lo từng viên thuốc đến bữa ăn, bây giờ em phải tự lo mọi việc. Nhiều hôm đau nhức chân tay, em lại muốn mình đang ở nhà để có mẹ xoa bóp”.
Theo quy định của UBND thành phố Hồ Chí Minh, trẻ em cao từ 1,3m trở xuống được miễn mua vé trên tất cả các tuyến xe buýt của thành phố tổ chức. Với chiều cao chưa đến 1,3m, Huy được miễn tiền xe buýt. Bình quân một ngày Huy đi 6 lượt xe buýt, nếu mua vé hết 30 ngàn đồng.
Huy đã vượt qua tất cả, khăn gói xuống Sài Gòn thuê phòng trọ theo đuổi ước mơ được học của mình. Do cơ sở vật chất của trường chưa được hoàn thiện, Huy phải học 2 buổi ở 2 cơ sở khác nhau rất bất tiện. Một ngày học của Huy bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Buổi sáng, Huy uống sữa hoặc ăn qua loa và mua sẵn hộp cơm tấm 15 ngàn đồng bỏ vào cặp sách rồi đến lớp.
Để đến được trường, hơn 6 giờ sáng từ phòng trọ quận 7, Huy đón 2 tuyến xe buýt đến cơ sở của trường tại quận 5. 10 giờ sáng, tan học, Huy lại lên xe buýt đến cơ sở ở quận 3 để học tiếp buổi chiều. Huy nói: “Nếu trở về phòng trọ nghỉ trưa rồi chiều đi học tiếp thì cực lắm, vì muốn đến cơ sở ở quận 3 phải đón xe buýt qua quận 5, rồi mới qua quận 3 được”. Một ngày 6 lượt đi xe buýt, có lần về đến phòng trọ hai chân Huy không bước nổi vì mệt, đau nhức.