Câu nói của Đức Phật sau câu chuyện nhỏ về sự tha thứ làm ai nghe cũng phải tự soi lại những điều mình đã làm với người thân, bạn bè và đồng loại.
Bài học về sự tha thứ
Một lần, khi Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây nói chuyện với các đệ tử của mình thì bỗng có một người đàn ông đến trước mặt và nhổ nước bọt vào mặt Ngài. Đức Phật điềm tĩnh lau mặt và hỏi người đàn ông: “Tiếp theo anh sẽ làm gì?”.
Người đàn ông không biết phải phản ứng như thế nào.
Trong khi đó các đệ tử của Đức Phật trở nên tức giận. Đệ tử gần gũi nhất của Ngài, Ananda, nói: “Đây là hành động vô cùng quá đáng. Chúng ta không thể tha thứ được, thưa Ngài. Anh ta phải bị trừng phạt về điều đó nếu không những kẻ khác sẽ làm tương tự như vậy!”.
Trái với sự tức giận của những môn đồ, Đức Phật nhẹ nhàng nói: “Con hãy im lặng. Anh ta không xúc phạm ta nhưng chính con đang xúc phạm ta đó. Anh ta là người mới, một người xa lạ. Hẳn là anh ta đã nghe mọi người nói gì về ta, rằng ta là một kẻ vô thần, một kẻ nguy hiểm, một kẻ đồi bại. Anh ta không nhổ nước bọt vào mặt ta mà nhổ vào hình ảnh ta trong suy nghĩ của mình.
Nếu con suy nghĩ sâu sắc hơn, con sẽ thấy người đàn ông đáng thương đang muốn nói điều gì đó và hành động này là phương tiện để anh ta bày tỏ. Có những lúc chúng ta bất lực trong ngôn từ khi muốn thể hiện tình yêu mãnh liệt, sự tức giận, sự ghét bỏ. Thay vì lời nói, chúng ta dùng hành động. Ta có thể hiểu anh ta, chắc chắn anh ta muốn nói điều gì đó, vậy nên ta mới hỏi tiếp theo anh ta muốn làm gì".
Đức Phật quay sang nói với các đệ tử còn lại: “Ta cảm thấy bị các con xúc phạm vì các con đã đi theo ta bao nhiêu năm rồi mà vẫn phản ứng như vậy”.
Người đàn ông lạ tỏ ra bối rối. Tối đó trở về nhà, anh không sao chợp mắt. Anh bị ám ảnh bởi những gì đã diễn ra. Anh ta run rẩy, người vã mồ hôi, anh chưa bao giờ gặp một người như vậy. Đức Phật đã phá vỡ toàn bộ tâm trí và quá khứ của anh.
Sáng hôm sau anh quay trở lại quỳ dưới chân Đức Phật. Ngài nói: “Khi ngươi quỳ dưới chân ta, đây cũng là một cách để người biểu đạt một điều gì đó không thể nói bằng ngôn từ”.
Ngài nhìn sang người đệ tử Ananda: “Người đàn ông này lại ở đây, anh ta đang nói điều gì đó. Anh ta là một người có cảm xúc sâu sắc".
Mỗi người là một dòng sông
Người đàn ông nhìn Đức Phật tỏ ra ăn năn hối lỗi: “Hãy tha thứ cho tôi vì những gì tôi đã làm ngày hôm qua, thưa Ngài”.
Đức Phật nói: “Tha thứ vì điều gì? Ta không phải người mà ngươi đã sỉ nhục. Sông Hằng vẫn cứ chảy, dòng chảy của hôm nay không còn là dòng chảy của hôm qua. Mỗi người đều là một dòng sông.
Người đã nhổ nước bọt vào mặt ta hôm qua không phải là người đang quỳ trước mặt ta hôm nay. Nhiều chuyện đã xảy ra trong 24 giờ mỗi ngày. Ta không thể tha thứ cho ngươi vì ta không có ác cảm với ngươi.
Ta thấy ngươi không phải là người đàn ông tức giận ngày hôm qua. Người đàn ông ấy đã nhổ nước bọt vào mặt ta, trong khi ngươi đang cúi đầu dưới chân ta. Sao 2 người các người lại là một được? Hãy quên chuyện đó đi, hãy tới gần ta, chúng ta cùng nói chuyện khác”.
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc nhắc nhở chúng ta, không ai trên đời này hoàn hảo, mọi người đều liên tục thay đổi và tiến bộ trong hành trình phát triển. Chúng ta không nên phán xét người khác và nhìn nhận mọi thứ bằng con mắt chủ quan. Hãy nhận ra họ đến từ đâu, đang vướng mắc điều gì để đối xử với họ với thái độ từ bi, bất kể họ từng đối xử tệ với chúng ta trong quá khứ.