Tại hiện trường, báo cáo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, cho hay "còn ít nhất 10 người dưới dòng sông".
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, liên quan đến vụ >sập >cầu Phong Châu, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ sơ bộ xác định có 8 người đang mất tích.
Những người mất tích gồm:
1. Nguyễn Hà Chi, sinh năm 2005 tại Đắk Nông;
2. Nguyễn Thị Lan, sinh năm 2005, trú tại Vạn Xuân (Tam Nông);
3. Dương Công Chiến, sinh năm 1981, trú tại xã Dân Quyền (Tam Nông);
4. Hà Quốc Chí, sinh năm 1986, trú tại xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì;
5. Lương Xuân Thành, sinh năm 1968, trú tại xã Thạch Đồng, (Thanh Thủy);
6. Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1976, trú tại Thạch Đồng, (Thanh Thủy);
7. Nguyễn Thị Bích Hằng, sinh năm 1988, Thụy Vân, thành phố Việt Trì;
8. Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1979, tại xã Sơn Vi (Lâm Thao).
Ba người bị thương là Bùi Quý Trọng, sinh năm 1991, và Nguyễn Minh Hải, sinh năm 1994, cùng ngụ xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông; Phan Trường Sơn, sinh năm 1984, trú tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.
Về diễn biến vụ sập cầu Phong Châu, theo UBND tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Hồng lên rất cao, kết hợp dòng chảy xiết làm gãy trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7) vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9/9.
Cầu Phong Châu tại km18+200 Quốc lộ 32C kết nối 2 huyện của tỉnh Phú Thọ là Tam Nông, Lâm Thao.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, công an tỉnh Phú Thọ thông tin tại thời điểm sập cầu, có 1 ô tô tải, 2 ô tô đầu kéo, 6 mô tô và 1 xe máy điện đang di chuyển trên cầu, bị rơi xuống sông. Số nạn nhân gặp nạn khi sập cầu hiện chưa thể xác định chính xác. Đến thời điểm hiện tại, có 2 nam thanh niên bị rơi xuống mố cầu được cứu sống; 1 người đàn ông đi xe máy, rơi xuống cầu may mắn được cứu và đưa vào bờ.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ GTVT, Quân khu 2... khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và bảo đảm an ninh, trật tự. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc, sớm khắc phục thiệt hại.
Tại hiện trường, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận nhịp cầu bị sập trôi xuôi về phía hạ lưu, cách vị trí ban đầu khoảng 100 m. Một ô tô tải bị mắc kẹt dưới nhịp cầu, trong dòng nước chảy xiết. Từ trưa đến chiều tối 9/9, tại Phú Thọ tiếp tục có mưa, nước sông Hồng dâng cao, chảy mạnh, địa bàn rộng khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trước mắt cần nắm bắt chính xác số lượng người và phương tiện thiệt hại. Về phương án tìm kiếm, cứu hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu tạm thời tìm kiếm quanh bờ sông, nếu điều kiện cho phép sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật khác. Nhấn mạnh phải bảo đảm lưu thông cho người dân, Phó Thủ tướng chỉ đạo xem xét làm cầu phao hay phà để tiết kiệm thời gian.
Tại hiện trường, báo cáo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, cho hay "còn ít nhất 10 người dưới dòng sông". Cơ quan chức năng đang trích xuất camera nhà người dân, camera hành trình của các ô tô và kết hợp với thông tin của người dân trình báo về việc người thân mất liên lạc để xác định số lượng người và phương tiện gặp nạn.
Công an tỉnh Phú Thọ cũng phát thông báo khẩn truy tìm tung tích, thông tin nạn nhân liên quan vụ sập cầu Phong Châu; lập tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp 24/24 giờ. Trưa 9/9, một số người dân đã đến hiện trường trình báo với lực lượng chức năng về việc gia đình có người thân mất tích.
Đang triển khai công tác tìm kiếm, lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ cho biết đã cử 455 cán bộ, chiến sĩ, xuồng máy phối hợp cùng các phương tiện của công an tỉnh để ứng cứu phương tiện, người dân không may gặp nạn. Song do nước sông lớn, chảy mạnh, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Đến 19 giờ cùng ngày, lực lượng quân đội, công an đã dựng xong trại dã chiến gần khu vực hiện trường để tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn.