Chỉ còn ít ngày nữa, người dân cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý và nhu cầu du lịch của người dân đã tung ra các chiêu trò lừa đảo hết sức tinh vi.
Theo thông tin từ VOV, trong bối cảnh du lịch nội địa vào mùa cao điểm chắc chắn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề như: giá vé máy bay, giá các loại dịch vụ sẽ tăng cao. Nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người dân đi du lịch vào ngày cao điểm, nhất là dịp nghỉ lễ dài, nhiều đối tượng đã tung ra các chiêu trò hết sức tinh vi: lập trang web bán vé máy bay giá rẻ, giá phòng hay combo du lịch giá rẻ… trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều người do không có kinh nghiệm và cũng một phần vì ham giá rẻ đã mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo này.
Du lịch đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu đối với nhiều gia đình. Mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ hè… nhiều người vẫn tìm kiếm thông tin các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn sale” các voucher giảm giá trên mạng. Đánh trúng tâm lý "ham rẻ" của du khách nên hiện nay trên mạng xã hội các combo, voucher du lịch với mức giá khác nhau nhiều vô kể, khiến khách hàng lạc vào "ma trận", từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
Dẫn tin từ trang Văn hóa & Đời sống - Báo Thanh Hóa, sự thuận tiện, nhanh chóng của nền tảng số cũng là điều kiện để các đối tượng mạo danh website/fanpage của một số công ty du lịch uy tín, có thương hiệu để sử dụng tài khoản cá nhân để đăng tải vào hội nhóm thông tin về tour tuyến, phòng khách sạn, du thuyền với những mỹ từ “siêu giảm giá”, “sale sốc” chỉ từ 2 đến 6 triệu cho tour 3 ngày 2 đêm... đánh vào tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của người dân.
Để lấy lòng tin, đối tượng làm giả ảnh biên lai hoặc hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân phải thanh toán trước 30% - 50% giá trị gọi là phí đặt cọc để giữ chỗ thì mới được “chốt đơn”. Và dĩ nhiên, sau khi chuyển khoản thành công, người mạo danh nhân viên công ty du lịch cũng mất hút theo cùng số tiền đó và không để lại dấu tích gì.
Mặt khác, các đối tượng còn làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng hoặc sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè báo tin bị mắc kẹt khi đi du lịch ở nước ngoài và đang cần gấp một khoản tiền. Bên cạnh đó, việc mạo danh đại lý vé máy bay, tiến hành đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán cũng đã khiến nhiều người khốn đốn với các “siêu lừa”.
Có thể thấy, mặc dù hành vi chiếm đoạt tài sản trên đã từng xuất hiện và được các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo; nhưng, với thủ đoạn “móc túi” ngày càng tinh vi, mánh khóe của các đối tượng; biến mạng xã hội thành “chợ lừa đảo” khi liên tục xuất hiện tài khoản tự xưng là nhân viên, cộng tác viên bán hàng của các công ty “ma” mọc lên như nấm thì người dân rất khó để phân biệt “thật - giả”. Điều này, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn khiến cho kế hoạch du lịch nghỉ dưỡng của du khách có thể bị hoãn hoặc chậm so với dự kiến đề ra.
Để hạn chế tình trạng trên, khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn tour qua các trang website uy tín, có tích xanh hoặc hoặc đánh giá sao của cộng đồng, lựa chọn người bán có thông tin rõ ràng. Cẩn trọng với tour du lịch giá rẻ, giảm giá; đặc biệt, không được chuyển tiền đặt cọc giữ chỗ khi chưa có đầy đủ xác thực. Nhận biết, website lừa đảo qua tên hoặc logo thông thường sẽ bị thay đổi những chi tiết rất nhỏ để qua mắt người xem và sử dụng tên miền đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk… Hơn hết, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bất kỳ ai nhằm tránh gây hậu quả nghiêm trọng.