Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện nhan nhản những đoạn video, bài viết câu tương tác cùng một link đính kèm "Xem thêm" bên dưới. Nhưng khi click vào link này thì lại được chuyển hướng đến một trang web khác với nhiều tiềm ẩn rủi ro cho những ai tò mò.

Minh Thư 06:00 15/11/2023

Chuyện lừa đảo thông qua MXH, đặc biệt là Facebook đã không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, bẫy lừa đảo thì luôn thu hút và thời gian gần đây lại có một hình thức mới tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng Facebook.

Cụ thể, trên nhiều hội nhóm Facebook đang có tình trạng các bài viết ăn theo sự kiện, đoạn video gây chú ý sau đó kèm thêm một đường link "Xem thêm" hoặc một link giả Facebook. Tuy nhiên chữ "Xem thêm" này là một link rút gọn được cài sẵn và khi click vào đường link này, người dùng sẽ bị tự động điều hướng chuyển sang một website mới không liên quan đến bài đăng đó. 

Một video chứa "bẫy click" trên Facebook, người dùng khi click vào sẽ tự động điều hướng chuyển sang một website mới có khả năng là lừa đảo

Bên cạnh đó, một hình thức khác là các chatbot spam link bên dưới bài viết, video, reels trên Facebook trong phần bình luận. Những ai tò mò rất có thể sẽ click vào link rút gọn này và sập bẫy. Trong khi đó, các comment quảng cáo/ lừa đảo dày đặc dưới phần bình luận cũng khiến không ít người dùng khó chịu.

Được biết, đa phần các link rút gọn này chủ yếu ở các fanpage lớn, tương tác cao hoặc các video gây sốc, câu like từ các group cộng đồng. Đa số các link rút gọn này sẽ đưa người click về một shop/ sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada... Chủ nhân của những link rút gọn này đã giăng ra một cái "bẫy click" và chỉ chờ những con mồi là người dùng có tính tò mò sập bẫy. 

Nhưng đáng nói hơn, nếu như đường link rút gọn đó dẫn đến các website chứa mã độc, nhằm mục đích đánh cắp tài khoản thì người dùng có thể bị mất tiền, lộ thông tin cá nhân hay mất các tài khoản MXH, email... 

Các tài khoản Facebook ảo được lập ra và đăng bài để câu tương tác và dụ người xem vào "bẫy click"

Trước đây, từng có một số thủ đoạn lừa đảo có phần tương tự khi các tài khoản Facebook sẽ bị gắn thẻ, hoặc tag vào các bài viết với nội dung gây tò mò như tai nạn giao thông, kêu gọi ủng hộ... Khi chủ tài khoản nhấn vào xem bài viết, sẽ được dẫn tới một trang giống với giao diện đăng nhập Facebook và yêu cầu đăng nhập. Nếu như điền thông tin tài khoản vào trang giả mạo đầy tinh vi này, người dùng có thể mất tài khoản.

Nếu click vào đường link lạ và được chuyển hướng đến các website khác, đặc biệt là các website có giao diện giống Facebook, người dùng tuyệt đối không điền thông tin tài khoản để tránh nguy cơ bị hack tài khoản

Cần làm gì khi lỡ ấn vào link lạ, link lừa đảo? 

Hai cách nhanh chóng và hiệu quả để khắc phục tình trạng trên chính là: Đổi mật khẩu và Kiểm tra lịch sử đăng nhập.

Bước 1: Truy cập và ứng dụng như Zalo, Facebook, Gmail… để đổi mật khẩu.

Bước 2: Tra cứu lịch sử đăng nhập, danh sách lịch sử đăng nhập sẽ hiện ra và kiểm tra các thiết bị đã đăng nhập. Trong trường hợp nếu thấy thiết bị lạ hãy bấm Đăng xuất để vô hiệu hóa việc đăng nhập trên thiết bị đó.

Theo Thắng Nguyễn/ Tổ Quốc