Khi bạn muốn thay đổi hành vi, việc lao thẳng vào mục tiêu chính bằng cả hai chân thường rất lãng phí thời gian và có thể không bao giờ thực hiện được. Bằng cách bắt đầu từ việc nhỏ, bạn có thể đạt được kết quả lớn, nắm được những bí quyết này, bạn sẽ thấy không có gì là không thể.
Hầu hết chúng ta được giáo dục và được ca ngợi vì nghĩ lớn chứ không phải làm nhỏ. Thậm chí cảm thấy ngớ ngẩn khi làm một điều gì đó nhỏ nhặt và việc dành thời gian cho nó có vẻ không đáng.
Chúng ta hết lần này đến lần khác phác thảo các kế hoạch đầy tham vọng: người đàn ông chưa bao giờ tập thể dục lên kế hoạch đi tập gym ít nhất 1 tiếng mỗi ngày, người phụ nữ cắm mặt vào mạng xã hội đến tận nửa đêm lên kế hoạch cho một giờ đọc sách trước khi đi ngủ; người đàn ông vừa hút xong điếu thuốc thứ hai đã thề bỏ thuốc một lần và mãi mãi… Và kết quả như thế nào thì chúng ta đều đã biết, kế hoạch vẫn cứ mãi là kế hoạch từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, không thực hiện được.
Những thay đổi lớn trong hành vi là cực kỳ khó khăn và không thể trong một sớm một chiều. Ảnh minh họa
Khi gặp một vấn đề đòi hỏi phải thay đổi hành vi, chúng ta lao vào nó với những mục tiêu lớn, táo bạo, được lập trình để thành công hoặc không gì cả. Các mục tiêu lớn thường nặng nề hơn là tạo động lực. Chúng đòi hỏi nỗ lực khó khăn để hoàn thành và duy trì trong cuộc sống hối hả bận rộn của chúng ta. Không đạt được mục tiêu cao cả sẽ tạo ra một vòng xoáy tiêu cực của sự chán nản, ngăn cản hành động trong tương lai. Thay vì sải bước về phía trước, chúng ta trượt lùi trong buồn bực và thất vọng vì bản thân.
Thực tế những thay đổi lớn trong hành vi là cực kỳ khó khăn và không thể trong một sớm một chiều, vì nếu không thì bạn đã làm được điều đó từ lâu rồi. Thật tuyệt khi ước mơ lớn, nhưng cách để đạt được điều lớn là bắt đầu từ việc nhỏ - thông qua những thói quen vi mô. Thói quen vi mô là thành phần nhỏ của thói quen lớn hơn. Bằng cách chia nhỏ một công việc đầy tham vọng thành những công việc nhỏ hơn, dễ đạt được hơn mà bạn xây dựng trong thời gian dài, những thói quen vi mô sẽ giúp bạn hoàn thành những mục tiêu lớn. Ví dụ, khi mới bắt đầu chạy, thói quen vi mô của bạn là để sẵn quần áo thể dục vào đêm hôm trước và mặc vào buổi sáng. Khi bạn đã đến phòng tập thể dục, thói quen nhỏ tiếp theo của bạn chỉ đơn giản là đi bộ trên máy chạy bộ 10 phút mỗi ngày. Rồi một ngày nào đó bỗng bạn chinh phục được 21km đầu tiên của mình - điều mà bạn chỉ có trong kế hoạch và kéo dài hàng thập kỷ. Các mục tiêu lớn đột nhiên có thể đạt được.
Để thành công với những thói quen vi mô, bạn cần áp dụng một số kỹ thuật, thay đổi tư duy và sắp xếp các bước để duy trì chúng trong một thời gian đủ lâu. Và đây là lúc tiết lộ các bí mật:
1. Xây dựng một thói quen vi mô nhỏ đến mức buồn cười
Một người Việt Nam đọc trung bình 0.7 cuốn sách/ 1 năm trong khi trung bình một người châu Âu là 6 -7 cuốn. Không cần nhắc lại lợi ích của đọc sách trong việc cung cấp tri thức nền tảng và phát triển tư duy đột phá. Việc đặt mục tiêu đọc sách một giờ mỗi ngày có vẻ khá quen thuộc với nhiều người ở đây, nhưng đó thực sự là một mục tiêu quá lớn và khó thực hiện với người bắt đầu. Hãy chuyển sang đọc trong 45 phút, rồi 30 phút... và cuối cùng, để thực sự đạt đến mức độ của một thói quen vi mô, bạn chỉ cần đọc một đoạn mỗi đêm, không vượt quá mức đó. Mục đích là nhắm vào mục tiêu nhỏ, nhỏ đến mức buồn cười và không đáng làm.
Bằng cách bắt đầu từ việc nhỏ, bạn có thể đạt được kết quả lớn. Ảnh minh họa
2. Chèn hành động mới và nhỏ với hành động hiện tại
Lợi ích của những thói quen vi mô là bạn có thể thực hiện nó với nỗ lực tối thiểu mỗi ngày. Nếu nó đủ nhỏ, bạn sẽ không bị cám dỗ để trì hoãn nhiệm vụ của mình từ ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên, bất kể quy mô nào, bạn rất dễ bị phân tâm, viện lý do này nọ hoặc quên béng. Vậy nên cần chèn hành động mới và nhỏ với hành động bạn vẫn đang làm hàng ngày mà không cần suy nghĩ. Cần nghe một đoạn sách tiếng Anh mỗi đêm? Bạn có thể làm điều đó trong khi đánh răng. Ngồi thiền 60 giây mỗi ngày? Hãy làm điều đó trong khi đợi pha cà phê.
3. Đo lường và theo dõi kết quả của bạn
Điều gì được đo lường, nó sẽ được thực hiện. Nếu việc đo lường của bạn phức tạp, bạn sẽ không muốn hoàn thành nó. Viết ra hành động mong muốn mỗi ngày và bên cạnh chỉ cần liệt kê 'có' (Yes) hoặc 'không' (No) để cho biết bạn đã hoàn thành nhiệm vụ chưa, hoàn thành được bao nhiêu? Người ta khám phá ra những lợi ích đáng ngạc nhiên đối với danh sách 'có' (Yes), tạo động lực mạnh mẽ cho mỗi người vượt qua chính bản thân mình.
Điều gì được đo lường, nó sẽ được thực hiện. Ảnh minh họa
4. Giữ ổn định và lặp đi lặp lại trong một thời gian dài
Thật khó để nghĩ nhỏ khi bắt đầu, thậm chí còn khó hơn để duy trì quy mô nhỏ. Thói quen vi mô của Nam là chống đẩy hai lần mỗi ngày. Sau khi kiếm được 10 'yes' liên tiếp trong danh sách 'có' của mình, Nam rất muốn làm được nhiều hơn thế. Trong hai ngày tiếp theo, anh ấy thực hiện 5 lần chống đẩy, ngay sau đó anh ấy sẽ đẩy con số lên 10 và sau đó tập thêm 20 phút, kết quả cuối cùng thật đáng buồn. Trong vòng hai tháng, Nam đã từ bỏ việc tập thể dục vì anh ấy đã mở rộng mục tiêu của mình nhanh một cách phi thực tế. Bạn cần giữ thói quen vi mô ban đầu của mình đủ lâu trong ít nhất hai tuần liên tiếp để bạn cảm thấy chán với nó, sau đó sẽ tăng mục tiêu nhưng không quá 10%.
5. Tìm kiếm sự trợ giúp để giữ cho bạn có trách nhiệm
Tạo ra một group những người có cùng mục tiêu và chí hướng với bạn, thường xuyên tương tác và cập nhật thông tin qua môi trường online hoặc gặp mặt định kỳ. Mọi người sẽ hỗ trợ bạn và giữ bạn có trách nhiệm củng cố các hành vi mới và đổi lại nó sẽ giúp ích cho họ. Trên group chung, mọi người có thể gửi các hình ảnh của buổi tập luyện, đọc sách hay cập nhật về thói quen vi mô của họ hàng tuần, nêu rõ họ đã thực hiện nó bao nhiêu ngày trong tuần. Khi ai đó liên tục không thực hiện theo thói quen vi mô của họ, nhóm sẽ giúp họ lên giây cót tinh thần hoặc giải quyết những trở ngại xảy ra đối với hành động của họ. Điều này tạo ra một sự ràng buộc mạnh mẽ hơn về trách nhiệm trong trường hợp có người bỏ cuộc. Được chứng kiến và cổ vũ bởi một nhóm những người cùng mục tiêu và chí hướng sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hành động thay đổi của bạn.
Hãy đồng hành với những người có cùng mục tiêu và chí hướng với bạn. Ảnh minh họa
Khi bạn muốn thay đổi hành vi, việc lao thẳng vào mục tiêu chính bằng cả hai chân thường rất lãng phí thời gian và có thể không bao giờ thực hiện được. Bạn đã bao lần hô khẩu hiệu, thề quyết tâm hay thậm chí còn tự nguyền rủa bản thân trước những kế hoạch thay đổi lớn lao. Thay vào đó, hãy thực hiện bằng những điều chỉnh nhỏ, tăng dần cho đến khi chúng là một phần của bộ nhớ và hoạt động cơ bắp của bạn. Bằng cách bắt đầu từ việc nhỏ, bạn có thể đạt được kết quả lớn. Bằng một số kỹ thuật trên, bạn sẽ thấy không có gì là không thể.