Dù bệnh nhân đã được xử trí sơ cứu và chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp, tuy nhiên, nguy cơ bị hỏng giác mạc của trẻ là rất lớn.
Theo thông tin từ VietNamNet, bệnh nhân là bé B.T.H được đưa vào Trung tâm Y tế Móng Cái (Quảng Ninh). Khám cho bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy kết mạc, giác mạc bên phải của bé bị bỏng toàn bộ. Bệnh nhân đã được xử trí sơ cứu và chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp, nguy cơ bị hỏng giác mạc của trẻ là rất lớn.
Các bác sĩ cho biết thực tế, rất nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc, tai nạn thương tích như bỏng, đuối nước, ngộ độc do uống nhầm thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, thuốc chữa bệnh, nước tẩy rửa… Nguyên nhân phần lớn đều là sự bất cẩn của người lớn khi để các đồ vật có nguy cơ gây hại ở gần tầm tay của trẻ, đựng trong chai nước ngọt… tạo sự tò mò và nhầm lẫn ở trẻ.
Trước đó, theo thông tin từ báo Người Lao Động, một trường hợp xảy ra tương tự vào ngày 8/5/2023, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trưởng Khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết khi vào cấp cứu tại bệnh viện, nam bệnh nhân được rửa mắt liên tục nhằm làm giảm tác hại của hóa chất lên mắt.
Sau thăm khám, ghi nhận kết quả mức độ tổn thương nhãn cầu: Mắt đau nhức nhiều, kết mạc cương tụ phù, thiếu máu vùng rìa khoảng 1/3 chu vi; giác mạc tróc toàn bộ biểu mô, phù đục giác mạc ở 1/3 dưới; phản ứng viêm trong tiền phòng, khó quan sát rõ các cấu trúc nội nhãn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa.
Bệnh nhân được nhập viện với chẩn đoán mắt trái bỏng mức độ II-III do hóa chất NaOH. Bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị và theo dõi các tổn thương ở nhãn cầu do NaOH gây ra ở các ngày tiếp theo. Hiện tại, sau 7 ngày điều trị mắt trái bệnh nhân đã giảm cộm xốn, đỡ đau, tình trạng mắt đã ổn định hơn và thị lực phục hồi tốt hơn.
Theo bác sĩ Nga, tai nạn bỏng nói chung, bỏng mắt nói riêng có thể xảy ra với bất kì ai, có những trường hợp bỏng mắt gặp khó khăn trong điều trị. Bỏng mắt do hóa chất là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, rất nguy hiểm vì có thể gây mù không hồi phục.