Đoạn clip gần 10 phút ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng ngay trong lớp học tại TP HCM được chia sẻ trên nhiều trang mạng.
Theo thông tin từ báo Dân Việt, ngày 14/4, trên nhiều trang mạng chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh THCS bị đánh hội đồng ngay trong lớp học. Đoạn clip dài gần 10 phút với nhiều cảnh đối xử tàn nhẫn khiến nhiều người không dám xem hết.
Cụ thể, một nữ sinh mặc đồng phục áo trắng váy ca rô, đeo khăn quàng đỏ đứng rụt rè trong lớp học, xung quanh có khoảng 10 bạn, đa số mặc đồng phục thể dục. Ở phía cửa lớp, một học sinh mặc đồng phục áo trắng váy ca rô đứng canh cửa.
Sau vài câu nói qua lại, nhóm bạn này thay nhau lao vào đánh nữ sinh mặc đồng phục một cách dã man. Nhóm này liên tục tát, túm tóc, dộng đầu nữ sinh xuống nền lớp, đạp mạnh vào người. Thậm chí, một trong số này còn dùng ghế nhựa, chai nước đánh tới tấp lên người, lên đầu nữ sinh.
Trong khi nữ sinh này quỳ gối, liên tục xin lỗi, nhận sai và xin tha thứ, nhóm bạn xung quanh vẫn không dừng tay. Nhóm này còn liên tục reo hò, cổ vũ khi một trong số này đánh mạnh bạo.
Trong suốt gần 10 phút, nữ sinh tội nghiệp liên tục hứng những trận đòn kinh hoàng. Không ít lần em bị đạp ngã dúi dụi xuống nền, nhưng vẫn cố gượng dậy, quỳ xuống van xin tha thứ.
Không chỉ có đánh, nhóm này còn liên tục hăm dọa, nếu nữ sinh này mách ba mẹ hoặc bạn bè, nhóm này sẽ tiếp tục đánh.
Theo thông tin từ báo Dân trí, ngay sau khi clip đăng tải trên mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ với nhóm học sinh đánh bạn. Đa phần các ý kiến bức xúc đều mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm với những học sinh có hành vi đánh hội đồng bạn; có biện pháp cứng rắn để chấm dứt tình trạng >bạo lực học đường.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Thủ Đức, TPHCM xác nhận vụ nữ sinh bị đánh hội đồng nêu trên xảy ra tại Trường THCS Tân Phú.
Phòng đã nắm thông tin và đã chỉ đạo nhà trường báo cáo vụ việc. Quan điểm là sẽ xử lý đối với học sinh vi phạm kỷ luật theo quy định điều lệ trường học. Song, các em học sinh đang trong lứa tuổi vị thành niên, nên sẽ có hình thức giáo dục, răn đe để các em hiểu được hành vi chưa đúng của mình.