Những phong tục này chính là những kinh nghiệm dân gian có nguồn gốc liên quan trực tiếp đến nông nghiệp và thời tiết.

Quỳnh Anh (T/h) 05:00 10/06/2024
Dịp Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) Tết Đoan Ngọ là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông và những người có công sinh công dưỡng đối với mỗi người.

Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo như dâng cúng sản vật của mùa hạ lên ông bà tổ tiên, dùng thức ăn để “diệt sâu bọ” trong người, hái lá làm thuốc nam vào giờ ngọ, đeo bùa và chỉ ngũ sắc, dùng lá nhuộm móng tay móng chân, mặc áo dấu, bôi rượu hùng hoàng cho trẻ con, treo con giáp tết từ ngải cứu, khảo cây... 

Ảnh minh họa: Internet
 
- Hái lá trong Tết Đoan ngọ có tác dụng chữa bệnh: Đúng ngọ (12h trưa) được xem là dương khí tốt nhất, mặt trời tỏa nắng tốt nhất năm, mọi người rủ nhau đi hái lá. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo.

- Tục tắm lá: Sau khi đã ăn cơm rượu để giết sâu bọ, mọi người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng: tắm lá mùi để mồ hôi toát ra, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn. Cách tắm này lại trị được cảm mạo bởi lá mùi là vị thuốc nam.
 
Ảnh minh họa: Internet
 
- Tục nhuộm móng chân, móng tay cho con trẻ: Chất liệu để nhuộm móng là cây lá móng. Lá móng sau khi lấy về sẽ được giã nhỏ, thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay (trừ móng tay trỏ) và móng chân. Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ, tục này còn có ý nghĩa trừ ma tà, làm cho ma quỷ sợ mà tránh xa con trẻ.

- Quệt vôi: Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. 

- Tục khảo cây lấy quả ngày 5/5 Âm lịch để yêu cầu nó ra quả nhiều hơn. Chủ nhà sẽ chuẩn bị sẵn 1 cái vồ gỗ, chày hay dao to mang ra vườn, đúng 12h trưa, tức Chính Ngọ thì ra khảo cây. Việc này thường có sự tham gia của 2 người, 1 đứa trẻ đóng vai cái cây và 1 người lớn là chủ nhà sẽ đóng vai người tra khảo. 
 
- Hái thuốc vào khoảng giờ Ngọ: Người xưa tin rằng những cành, lá và củ đào trong ngày cực dương này đều là vị thuốc tốt. Các loại lá thường được lá gồm ngải cứu, lá mùi, đinh lăng,... Sau khi hái, lá được phơi khô để dùng chữa bệnh.
 
- Một số nơi còn giữ tục tết thầy lang, tết thầy học để đền ơn cứu chữa bệnh và dạy dỗ của các thầy lang. 

Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn các tục lệ đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại một số như tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc...
Quỳnh Anh (T/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe