Là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng mì ăn liền cũng làm người dùng băn khoăn về một số thông tin liên quan sức khỏe. Sau đây là những giải đáp giúp người dùng an tâm hơn khi thưởng thức món ăn này từ chuyên gia.

Q.Duyên (t/h) 08:09 15/12/2022

Có phải >mì ăn liền gây tăng cân vì chứa nhiều tinh bột và chất béo?

PGS.TS Lê Bạch Mai khẳng định tăng cân là do nhiều nguyên nhân phối hợp. Tăng cân là kết quả tương tác giữa chế độ ăn vào cung cấp năng lượng cao hơn so với các hoạt động tiêu hao năng lượng của cơ thể. Trong đó, >dinh dưỡng không hợp lý và ít vận động được coi là hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng tăng cân. Việc cho rằng tăng cân chỉ là do ăn mì ăn liền là chưa chính xác.

Về mì ăn liền, thành phần chính có bột lúa mì, cung cấp bột đường và năng lượng cho cơ thể. Mì ăn liền còn chứa một lượng chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Trung bình một sản phẩm mì ăn liền thông dụng (75g/sản phẩm) cung cấp các dưỡng chất và năng lượng như sau:

  • Chất bột đường: 40-50g
  • Chất đạm: không ít hơn 6,9g
  • Chất béo: 10-13g
  • Năng lượng: 300-350Kcal

Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho Người Việt Nam được Bộ Y tế phê duyệt (năm 2016) thì mỗi người trưởng thành cần khoảng 2.000-2.500 kcal/ngày. Nguồn năng lượng này được tạo ra từ 3 chất dinh dưỡng sinh năng lượng là chất đạm (protein), chất béo (lipid) và chất bột đường (carbohydrate). Như vậy, mì ăn liền chỉ là 1 thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người, việc gây tăng cân là do năng lượng ăn vào lớn hơn năng lượng tiêu hao gây dư thừa năng lượng và tích lũy năng lượng dẫn đến tăng cân chứ không phải do mì ăn liền.

Ảnh minh họa: Internet

Tôi thường làm việc về muộn nên thích lựa chọn một ly mì cho tiện. Nhưng bạn bè xung quanh nói rằng ăn mì thường xuyên như vậy sẽ dễ gây bệnh, thiếu chất. Có phải vậy không?

PGS.TS Lê Bạch Mai:

Mì cung cấp bột đường cùng một lượng chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng cho cơ thể.

Vậy nên, quí vị hoàn toàn có thể kết hợp mì ăn liền với nhiều thực phẩm khác để tạo thành bữa ăn cân đối. Ngoài ra, trong trường hợp lỡ bữa, chỉ có thể thưởng thức ly mì, sau đó quí vị có thể bổ sung lại bằng trái cây, dưa leo (cung cấp vitamin, chất xơ) và bổ sung thêm chất đạm bằng trứng luộc hoặc cung cấp thêm vào những bữa ăn khác trong ngày.

Nếu như mỗi ngày quí vị chỉ ăn duy nhất một thực phẩm hoặc 1 món ăn bất kỳ (bữa ăn không đa dạng) thì dễ làm cho cơ thể trở nên mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất và dễ mắc bệnh; ví dụ như chỉ ăn tinh bột mà không bổ sung rau, thịt, cá… Quí vị lưu ý sử dụng nhiều loại thực phẩm (đa dạng) để cung cấp cho cơ thể đủ các chất dinh dưỡng và đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày giúp cơ thể luôn được “nuôi dưỡng” trong tình trạng tốt nhất có thể.

Ảnh minh họa: Internet

Nghe nói mì ăn liền gây ung thư vì chứa nhiều chất bảo quản không tốt cho >sức khỏe, điều này có đúng không?

BS Trương Hồng Sơn: Bạn không nên lo lắng vì thông tin không có căn cứ này, trên thế giới chưa có ghi nhận nghiên cứu khoa học nào chứng minh mì ăn liền gây ung thư.

Mì ăn liền có thể bảo quản được lâu trong thời gian dài là do vắt mì có độ ẩm rất thấp sau khi chiên qua dầu hoặc sấy bằng nhiệt gió trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng đến chất bảo quản như nhiều thông tin lan truyền là không chính xác. Đi cùng với sự phát triển của thế giới hiện đại, công nghệ mì ăn liền hiện nay cũng ngày càng tiến bộ hơn, theo đó, các nhà sản xuất đã chủ động kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất của mình, chẳng hạn như kiểm soát chất lượng dầu chiên, kiểm soát nhiệt độ ổn định khi chiên cũng như các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm. Do vậy, bạn có thể an tâm thưởng thức món ăn yêu thích này của mình.

Ảnh minh họa: Internet

Có cách nào thưởng thức mì ăn liền thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe không?

PGS.TS Lê Bạch Mai: Một chế độ ăn đủ để đáp ứng nhu cầu các chất dinh dưỡng của cơ thể, cân đối giữa các chất dinh dưỡng và đa dạng các loại thực phẩm, vận động hợp lý, có lối sống khoa học luôn là câu trả lời cho sức khỏe tốt.

Sau đây là một số gợi ý để giúp món mì ăn liền trở nên hấp dẫn, thơm ngon lại bổ sung đủ chất cho cơ thể:

  • Nên chủ động thêm vào món mì ăn liền lượng chất đạm từ các loại đậu, nấm (đạm thực vật), hoặc tôm, mực, cá, thịt bò, trứng,… (đạm động vật). Tuy nhiên, lưu ý là lượng đạm bổ sung chỉ cần vừa đủ nếu không sẽ vô tình biến “bữa ăn >mì gói” thành món gây khó tiêu, thậm chí dư thừa năng lượng có thể gây tăng cân nếu thường xuyên sử dụng không đúng cách.
  • Trong tủ bếp, tủ lạnh nên có sẵn các loại rau củ để kết hợp với mì ăn liền. Ví dụ chúng ta có thể xào rau củ cùng với mì, cải thìa, giá đỗ và cà chua, rau sống… để biến một thực phẩm mì gói thành món ăn dinh dưỡng thơm ngon.
  • Quý vị có thể chọn lựa một số sản phẩm mì ăn liền đã được nhà sản xuất bổ sung thêm mè (vừng), rong biển, các loại rau củ, thịt, trứng,… để tạo sự cân bằng dinh dưỡng và thêm phần ngon miệng.
  • Nên ăn đúng thời điểm, tránh ăn quá khuya.

Nếu bữa ăn chỉ bao gồm một vài loại thực phẩm đơn điệu thì dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng và dẫn đến các vấn đề bất lợi về sức khỏe. Do đó, quý vị nên kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và có chế độ sinh hoạt hợp lý để có một cơ thể khỏe mạnh.

Ảnh minh họa: Internet
 
 
Q.Duyên (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe