Thịt gà là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình, đây là thực phẩm tốt cho cơ thể với nhiều dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần biết cách bảo quản thịt gà để tránh ngộ độc.
Thịt gà bảo quản trong bao lâu?
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, bảo quản và nấu đúng cách là rất quan trọng bởi nếu không nó có thể trở thành nguồn gây bệnh từ thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thịt gà sống có thể được giữ trong ngăn mát tủ lạnh của bạn khoảng 1 - 2 ngày. Điều tương tự cũng áp dụng cho gà tây sống và các loại gia cầm khác.
Trong khi đó, gà đã nấu chín có thể để được trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 3 - 4 ngày. Bảo quản thịt gà trong tủ lạnh giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, vì vi khuẩn có xu hướng phát triển chậm hơn ở nhiệt độ dưới 4⁰C.
Hơn nữa, thịt gà sống tốt nhất nên được bảo quản trong đồ đựng không rò rỉ để ngăn nước thịt tiết ra và làm nhiễm bẩn các thực phẩm khác. Thịt gà đã nấu chín nên được bảo quản trong hộp kín.
Nếu bạn cần >bảo quản thịt gà lâu hơn, tốt nhất nên để trong ngăn đông của tủ lạnh. Những miếng thịt gà sống có thể được bảo quản trong tủ đông tới 9 tháng, trong khi một con gà nguyên con có thể được đông lạnh tới một năm. Thịt gà đã nấu chín có thể bảo quản trong tủ đông từ 2 - 6 tháng. Ăn thịt gà hỏng có thể khiến bạn bị >ngộ độc thực phẩm. Thịt gà có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao vì nó có thể bị nhiễm vi khuẩn như Campylobacter, Salmonella... Thông thường, những vi khuẩn này bị loại bỏ khi bạn nấu chín kỹ thịt gà tươi.
Nhận biết gà hỏng
Tuy nhiên, bạn vẫn cần tránh nấu nướng và ăn thịt gà ôi thiu. Thịt gà có các dấu hiệu hư hỏng khác nhau. Bạn có thể cần theo dõi mùi khó chịu, kiểm tra màu sắc hoặc kết cấu để nhận biết được độ tươi ngon của thịt gà. Nắm được các dấu hiệu nhận biết thịt bị hư hỏng, bạn có thể giúp cho bữa ăn của gia đình mình thêm an toàn và lành mạnh. Dưới dây là những chú ý khi bạn mua thịt gà để đảm bảo an toàn, không bị hỏng.
Kiểm tra mùi
Cách nhận biết đó là dùng tay cầm miếng thịt và di chuyển miếng thịt hướng về phía mặt bạn để kiểm tra hương vị của nó. Nếu phát hiện những dấu hiệu mùi khó chịu như trên thì đừng mua cho dù giá có rẻ, bởi nó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến >sức khỏe của bạn cũng như các thành viên trong gia đình.
Kiểm tra màu sắc
Thịt gà tươi khi còn sống sẽ có màu hồng tươi của thịt. Khi bắt đầu hỏng, màu thịt sẽ chuyển dần sang xám. Nếu thịt gà có màu tối dần, bạn nên sử dụng thịt ngay trước khi nó trở nên tệ hơn. Một khi thịt gà có màu xám thay vì hồng thì không nên sử dụng nữa.
Nếu bạn chế biến thịt gà bị hỏng, thịt sẽ vẫn có màu tối chứ không có màu trắng sáng. Việc ăn chúng có thể khiến bạn bị đau bụng thậm chí là ngộ độc.
Dùng tay để kiểm tra
Lấy tay chạm vào miếng thịt gà, nếu nó dính, nhớt sau khi rửa bằng nước thì rất có thể miếng thịt gà đã bị hỏng.
Nấm mốc và màu sắc lạ khi nấu chín
Nếu bạn không thể nhận biết được độ sạch của gà khi tươi thì có thể nhìn vào dấu hiệu sau khi nấu chín. Thịt gà tươi nấu chín thường có màu nâu hoặc trắng. Nếu bị hỏng, thịt sẽ dần chuyển sang màu xanh xám hoặc xám. Nếu bên ngoài con gà không có sự thay đổi màu sắc, bạn hãy thực hiện một vết cắt nhỏ và kiểm tra bên trong thịt.
Các loại ngộ độc cần lưu ý
Biểu hiện ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Campylobacter
Những người bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter thường bị tiêu chảy (thường có máu), sốt và co thắt dạ dày. Ngoài ra có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2-5 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài khoảng một tuần. Một số người gặp phải các biến chứng như hội chứng ruột kích thích, tê liệt tạm thời và viêm khớp.
Ở những người có hệ miễn dịch yếu như những người bị rối loạn máu, bị AIDS hoặc đang điều trị bằng hóa trị, vi khuẩn Campylobacter nhiễm vào máu và gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng.
Biểu hiện ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Salmonella
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella thường xuất hiện nhanh chóng, trong vòng 8 -72 giờ sau khi ăn.
Bệnh nhân thường bị đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, có dấu hiệu mất nước (như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng), phân có máu. Trẻ em có thể bị mất nước nghiêm trọng nhanh và có thể đe dọa đến tính mạng.
Chế biến và bảo quản thịt gà đúng cách để phòng ngộ độc
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do thịt gà, các bà nội trợ cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Khi mua thịt gà sống ở chợ hoặc siêu thị cần cho gà vào túi dùng một lần trước khi cho vào giỏ hàng hoặc tủ lạnh để chúng không bị dính vào các thực phẩm khác.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với thịt gà.
- Không rửa thịt gà sống gần các thực phẩm khác vì trong quá trình rửa, nước rửa gà có thể bắn ra làm ô nhiễm các thực phẩm, đồ dùng và bề mặt khác.
- Dùng thớt riêng để chế biến thịt gà sống. Rửa thớt, đồ dùng, bát đĩa và mặt bàn bếp bằng nước rửa bát sau khi sơ chế gà và trước khi chế biến món tiếp theo.
- Không để thực phẩm đã nấu chín hoặc sản phẩm tươi sống trên đĩa, thớt, hoặc bề mặt khác mà trước đó đã đựng thịt gà sống.
- Không nên dùng lò vi sóng hoặc các thiết bị điện tử có khả năng làm nóng không đều để chế biến thịt gà đông lạnh.
- Chỉ ăn thịt gà khi đã được nấu chín kỹ, không còn màu đỏ, không ăn thịt gà tái.
- Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gà còn thừa trong vòng 2 giờ (hoặc trong vòng 1 giờ nếu trời nóng).