Bệnh nhân mắc ấu trùng sán dây lợn có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, co giật, nhiều người có biểu hiện kích thích, có trường hợp có dấu hiệu kích động như tâm thần.
Khi ăn thực phẩm tái sống, ngoài nguy cơ dễ nhiễm các vi sinh vật khác nhau, thì còn có thể nhiễm ký sinh trùng như trứng giun, sán, vào cơ thể sẽ sinh ra bệnh tật.
Theo Bác sĩ CKI Lương Thị Tuyết Anh, Khoa Truyền Nhiễm, BVĐK tỉnh Cao Bằng thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết: Bệnh sán não do ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh trong não gây ra. Bệnh thường hay gặp ở khu vực có mức kén sán não sống thấp, vệ sinh kém, đặc biệt là ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn, trâu, bò chưa được nấu chín, ăn tiết canh, nem thính, nem chua, gỏi sống.
Bệnh sán não xảy ra khi kén sán có ở não từ một đến nhiều ổ. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ phụ thuộc vào số lượng kén sán có trong não.
Biểu hiện thường gặp là: bệnh nhân bị nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ; mờ mắt, tăng áp lực sọ não, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, bệnh nhân có thể bị đột tử.
Hầu hết bệnh nhân nhiễm sán não biểu hiện đau đầu kéo dài hoặc bị co giật, điều trị tại tuyến cơ sở nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không đỡ với chẩn đoán đau đầu, động kinh. Nhưng khi đi chụp cắt lớp, hình ảnh nang sán não dễ dàng được phát hiện, có những nang lớn từ 0,5-1cm. Nếu bị nang sán quá lâu, có thể để lại các nốt vôi hóa trong não.
Ngoài ra, ấu trùng sán còn gây bệnh ở nhiều cơ quan khác.
Theo thông tin từ Báo VnExpress, quan niệm ăn tiết canh lợn, ngan, vịt nhà nuôi thì an toàn, không bị nhiễm sán là sai lầm. Tất cả tiết canh là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, gây tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán. Do đó, người dân nên bỏ thói quen ăn tiết canh hoặc thịt tái, gỏi, để phòng ngừa bệnh.
Thịt lợn, bò chưa chín chứa các nang sán, khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, phát triển thành sán dây trưởng thành, di chuyển chủ yếu trong não và vùng dưới da. Dấu hiệu nhiễm sán là đau đầu, co giật, do sán gây viêm màng não hoặc tổ sán chèn lên não, nên bị nhầm với viêm màng não, u não. Thậm chí, nhiều người nghĩ bản thân mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm.
Trả lời trên Báo VnEpress, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ăn thịt bò tái nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan... Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Ngoài ra, thịt sống là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển nếu bảo quản không đúng cách. Từ đó dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa và các hậu quả khác. Bạn cần áp dụng nguyên tắc "ăn chín uống sôi" và không nên ăn thịt bò tái.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo các đối tượng dễ mắc bệnh lây truyền qua thực phẩm nên hoàn toàn tránh thịt bò sống hoặc chưa được nấu chín. Những người này bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương.
Ăn thị bò sống, tái có thể gây tổn thương cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể. Các triệu chứng như khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy và nôn.
"Tôi đã gặp một bệnh nhân nhiễm giun lươn đường ruột đã khám, điều trị hơn 2 tuần tại bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó chuyển ra một bệnh viện tuyến trung ương điều trị không đỡ. Bệnh nhân là người già có bệnh nền, bệnh mãn tính. Nhập viện, bệnh nhân nôn, tiêu chảy kéo dài sụt còn có 36 kg, ăn gì cũng nôn. Trước đó bệnh nhân được chẩn đoán là hội chứng rối loạn tiêu hóa và nôn nhiều, suy kiệt ở người già. Khi được chuyện đến cơ sở điều trị của chúng tôi trong thể trạng suy kiệt và nôn, tiêu chảy.
Chúng tôi cho lấy mẫu xét nghiện phân thì phát hiện ấu trùng giun lươn đường ruột. Sau khi được điều trị giun lươn thì bệnh nhân ngày thứ nhất đỡ nôn, đỡ tiêu chảy, ăn được chút cháo. Sang ngày thứ 2 triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện nhiều không còn nôn và tiêu chảy nữa ăn được và sau hơn một tuần điều trị tại viện, bệnh nhân dần hồi phục.
Ngoài ra chúng tôi có gặp 1 trường hợp trẻ em mắc sán chuột có thể do bọ chét và một số loại bọ khác có thể nhiễm trứng sán khi ăn phân của chuột hoặc chuột bị nhiễm bệnh. Những côn trùng này có thể lây nhiễm sang người với vai trò là vật chủ trung gian và sán dây chuyển từ trứng sang giai đoạn trưởng thành. Loại nhiễm trùng này xảy ra với sán dây và phổ biến hơn nhiều khi vệ sinh không đảm bảo, là nguyên nhân khiến trẻ nhiễm sán chuột. Sán chuột xét nghiệm phân có thấy trứng sán chuột. Sán chuột có thể gây rối loạn tiêu hóa, khi được điều trị thuốc đặc hiệu bệnh ổn định", TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương thông tin thêm trên Báo Sức khỏe và Đời sống.
Phòng bệnh sán não thế nào?
Sán não là bệnh rất nguy hiểm, nhưng có thể phòng tránh được bằng cách:
- Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn, lòng lợn, gỏi, thịt lợn tái... không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần... mà phải nấu chín kỹ mới ăn;
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ; xây hố xí hợp vệ sinh, không đại tiện bừa bãi;
- Không nuôi lợn thả rông...;
Dùng thuốc tẩy sán dây lợn khi đã bị nhiễm sán. Khi có dấu hiệu đau đầu hoa mắt, chóng mặt thường xuyên. Nên đến cơ sở y tế được khám và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng hồi phục, đáp ứng điều trị sẽ tốt hơn nhiều so với phát hiện muộn.