Quả vải mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, vậy ăn nhiều quả vải có tác hại không?
Lợi ích của vải
Theo PLO thông tin trên The Times of India, quả vải chứa một số khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa tốt cho >sức khỏe, chẳng hạn như kali, đồng, vitamin C, epicatechin và rutin. Vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống nhiễm trùng và bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh có hại. Ngoài ra, vải có chứa vitamin B6, cũng đóng vai trò hỗ trợ chức năng miễn dịch.
Bioflavonoid rutin là một trong nhiều polyphenol có nhiều trong quả vải. Do đó, ăn quả vải hoặc uống nước ép quả vải có thể giúp kiểm soát tình trạng chảy máu bất thường do vỡ mạch máu.
Vải là một nguồn giàu khoáng chất như magiê, phốt pho, mangan, đồng, sắt và nhiều khoáng chất khác cần thiết cho xương chắc khỏe.
Một số nghiên cứu cho thấy vải có thể giúp hỗ trợ lưu thông máu khỏe mạnh khắp cơ thể, đảm bảo rằng các cơ quan và hệ thống cơ quan hoạt động không bị gián đoạn.
Chiết xuất từ quả vải giàu flavanol đã được chứng minh là có tác dụng kháng viêm. Quả vải thơm ngon có thể hỗ trợ điều trị tổn thương mô và viêm do hoạt động gắng sức.
Loại quả này có một lượng đồng cần thiết, làm tăng lượng hồng cầu trong máu. Vải có một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Thực hư ăn vải hại gan
Mới đây, Lương y Bùi Đắc Sáng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội chia sẻ trên VnExpress, thông tin nhiều người cho rằng quả vải tính nóng, ăn vào hại gan, khiến cơ thể giảm khả năng thanh lọc, thải độc khiến nhiều người lo lắng. Theo ông, Vải có tính nóng, dân gian gọi là "nóng trong người" nhưng không đến mức làm suy giảm chức năng gan hay giảm khả năng thanh lọc của gan ngay lập tức như lời đồn.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều vải cũng không tốt cho sức khỏe. Trong 100 g vải chứa tới 15,2 g đường, ăn nhiều làm tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose. Vải quá ngọt, nóng, ăn quá nhiều dễ bị bệnh viêm nhiệt như ngứa, rôm sảy, mụn nhọt...
Trong ngày hè nóng bức, bạn chỉ nên ăn khoảng 5 đến 6 quả một lần. Người bệnh tiểu đường nên ăn vải vừa phải, tối đa 6 quả một ngày.
Cách sử dụng vải ngon trong ngày hè
Bạn có thể lựa cùi vải mềm, màu trắng trong, mọng nước, khi lột mới bắt đầu rỉ mật, có mùi thơm nhẹ, cùi dầy và dễ tách, hạt nhỏ là vải ngon. Một số lưu ý chia sẻ trên Medlatec khi ăn vải như sau:
+ Người bị tiểu đường: Cùi vải thiều có chứa nhiều đường. Nếu người bệnh tiểu đường ăn quá nhiều vải thiều cùng một lúc có thể dẫn đến tình trạng lượng đường máu tăng cao đột ngột, làm ảnh hưởng đến hấp thu, chuyển hóa của gan và khiến cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
+ Người có cơ địa dị ứng: Nếu bạn đã từng bị dị ứng thì cũng nên cẩn trọng khi ăn vải. Vải là loại quả cũng có thể gây dị ứng với một số triệu chứng như phù nề da, chóng mặt, tiêu chảy, suy hô hấp, đau đầu,...
+ Người đang bị sốt hoặc nổi nhiều mụn nhọt cũng không nên ăn vải vì cơ thể sẽ được cung cấp nhiều đường khiến bạn cảm thấy nóng hơn, khó chịu hơn, tình trạng rôm sảy hay mụn nhọt sẽ càng nghiêm trọng. Thậm chí với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, bủn rủn chân tay,...
+ Mẹ bầu dễ bị tiểu đường thai kỳ, do đó nên hạn chế ăn quả vải, để tránh cung cấp lượng đường lớn cho cơ thể. Đặc biệt là các >mẹ bầu thừa cân hoặc có tiền sử bị tiểu đường thì cần phải lưu ý nhiều hơn đến vấn đề này.
+ Người bị thủy đậu cũng không nên ăn vải quả nhiều.
+ Không nên ăn vải khi đang đói.