Thói quen ăn lẩu quá nóng, sử dụng thực phẩm được gắp trực tiếp từ nồi lẩu đang sôi... là sai lầm nhiều người Việt mắc phải nhất.
Những ngày mùa đông lạnh giá xuất hiện cũng là lúc gia đình, bạn bè rủ nhau xì xụp quanh nồi lẩu ấm áp, cùng han huyên để xua đi sự lạnh giá. Người Việt có nhiều sự lựa chọn khác nhau cho món lẩu, khi thì là lẩu riêu cua đồng béo ngậy, khi lại là lẩu bò nhúng giấm thanh mát, món nào cũng đầy lôi cuốn.
Thân thuộc và phổ biến đến vậy nhưng có không ít thói quen khi ăn lẩu tưởng chừng rất bình thường lại có thể khiến >sức khỏe của chúng ta gặp tổn thương nghiêm trọng. Trong đó, thói quen ăn lẩu quá nóng, sử dụng thực phẩm được gắp trực tiếp từ nồi lẩu đang sôi... là sai lầm nhiều người mắc phải nhất.
Mặc dù các món lẩu được yêu thích cũng một phần vì nó rất nóng hổi, đem lại cảm giác ấm áp. Nhưng việc ăn lẩu quá nóng rất dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản.
Bác sĩ Nguyễn Đình Bình (Giảng viên y học trường Đại học Đông Đô) đánh giá: Khi ăn lẩu, chúng ta thường để thực phẩm sôi liên tục khiến cho nhiệt độ thức ăn luôn nóng, có khi vượt quá 100 độ C. Việc ngay lập tức gắp rau, thịt từ nồi lẩu đang nóng hổi, chưa kịp chờ cho đủ nguội đã bỏ vào miệng có thể dẫn đến bỏng niêm mạc miệng bởi miệng thường chỉ chịu được mức nhiệt khoảng 50 độ C. Hơn nữa, nuốt thực phẩm nóng cũng có thể gây bệnh viêm dạ dày cấp tính hoặc viêm thực quản cấp tính. Đây là kiểu ăn lẩu tiềm ẩn nhiều tai nạn không đáng có.
Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo nguy cơ khi tiêu thụ đồ uống, thực phẩm quá nóng. Theo WHO, việc sử dụng đồ ăn nóng trên 65 độ C cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, vòm họng.
Bên cạnh đó, tiêu thụ các nồi lẩu cay nóng sẽ gây kích thích đường tiêu hóa, làm hại sức khỏe. Các chuyên gia khuyên cách ăn lẩu an toàn nhất là: Gắp những đồ ăn đã chín ra bát để nguội bớt rồi mới từ từ thưởng thức.
"Lẩu chỉ là món ăn bình thường như mọi món ăn khác. Nó không tự gây ra bệnh mà cách ăn, cách sử dụng của con người mới tạo ra bệnh" - Đó là lời nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội).
Theo vị PGS, để ăn lẩu ăn toàn, không gây hại cho sức khỏe thì chúng ta nên: "Vừa ăn vừa thổi, xì xụp để món ăn nguội bớt".
Hơn nữa khi ăn lẩu cần "Chín ra chín, sống ra sống". Nên từ bỏ thói quen ăn lẩu tái (thực phẩm nhúng lẩu chỉ chín tái) vì khi nhúng đồ ăn qua loa trong nước sôi thì không thể tiêu diệt được hết ký sinh trùng bám trên thực phẩm, người ăn sẽ phải đối mặt với các bệnh về đường tiêu hóa.
Hơn nữa, để ăn lẩu an toàn thì cần đảm bảo chọn được nguồn rau sạch và phải vệ sinh thật cẩn thận trước khi ăn. Để tránh ngộ độc, mọi người nên chọn mua loại rau có nguồn gốc rõ ràng bởi hiện nay trên thị trường có bán một số loại rau được phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng... Sau khi mua về cần bỏ rễ và rửa sạch bằng nhiều lần nước, ngâm kỹ bằng nước muối hoặc dung dịch rửa rau.
Mỗi lần ăn mọi người chỉ nên ăn lẩu trong khoảng 2 tiếng trở lại để không làm dạ dày quá tải. Cũng không nên ăn quá 1 lần/tuần để tránh việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm, gây tăng cân, thừa mỡ.