Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là loại cây cực hữu ích đối với những người bị sỏi thận, tiểu đường và là vị thuốc quý trong Đông y.
Diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, cam kiềm, cỏ trân châu, diệp hòa thái,... là một loại cây nhiệt đới, thuộc họ Phyllanthaceae.
Tại Việt Nam, cây >diệp hạ châu mọc hoang nhiều ở các bãi đất trống và là vị thuốc Đông y được sử dụng từ ngàn năm trước để hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau.
Dưới đây là những lợi ích >sức khỏe của diệp hạ châu và những lưu ý khi sử dụng loại thảo mộc này.
Trong y học cổ truyền, diệp hạ châu được cho là có thể hỗ trợ điều trị các tình trạng như tiểu đường, sốt rét, viêm gan, huyết áp cao, sỏi thận, sỏi mật, thiếu máu, hen suyễn, nhiễm trùng, bệnh lao và một số vấn đề về tiêu hóa.
Diệp hạ châu là vị thuốc quý trong Đông y. Ảnh minh họa.
Một số nghiên cứu đã xem xét tác động của diệp hạ châu với sỏi thận.
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học São Paulo, Brazil, trên 56 người bị sỏi thận dùng diệp hạ châu trong 12 tuần. Sau khoảng thời gian này, các kết quả siêu âm cho thấy diệp hạ châu có tác dụng đáng kể trong việc giảm sỏi thận.
Diệp hạ châu có tác dụng làm giảm oxalat và axit uric trong nước tiểu. Khi nồng độ oxalat hoặc axit uric trong nước tiểu cao sẽ hình thành các viên sỏi trong thận.
Một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2010 của Đại học São Paulo, Brazil, cho thấy diệp hạ châu có thể "có tác dụng trong nhiều giai đoạn hình thành sỏi thận". Nghiên cứu này chỉ ra rằng diệp hạ châu có thể làm giãn niệu quản, giúp cơ thể đào thải sỏi và các mảnh vỡ của sỏi ra ngoài sau quá trình tán sỏi bằng sóng xung kích.
Diệp hạ châu hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Ciudad, Mexico, cho thấy diệp hạ châu có hoạt tính kháng khuẩn, đặc biệt là kháng Helicobacter pylori - một vi khuẩn gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và viêm loét tại dạ dày. Các vết loét dạ dày được cho là làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Nghiên cứu cũng cho thấy diệp hạ châu không ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dược phẩm và Dược lý học (Journal of Pharmacy and Pharmacology) vào tháng 8/2016, đã chỉ ra các lợi ích tiềm năng của diệp hạ châu trong việc hỗ trợ điều trị rối loạn về gan, bao gồm cả viêm gan B.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết diệp hạ châu có thể làm chậm sự phát triển của virus viêm gan B.
Tuy nhiên, cần có thêm dữ liệu nghiên cứu lâm sàng để khẳng định những tuyên bố này.
Diệp hạ châu được cho là có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan B nhưng cần có thêm dữ liệu nghiên cứu lâm sàng để khẳng định những tuyên bố này. Ảnh minh họa.
Trong các nghiên cứu trên động vật của các nhà khoa học Chile, các chất chống oxy hóa trong cây diệp hạ châu có thể cải thiện lượng đường trong máu lúc đói, từ đó có thể kiểm soát lượng đường trong máu.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các tác dụng có lợi với sức khỏe của diệp hạ châu, tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều được thực hiện trên động vật, ống nghiệm hoặc trên người với một quy mô rất nhỏ. Thêm vào đó, các nghiên cứu đa phần sử dụng chiết xuất diệp hạ châu nồng độ cao. Vì vậy, cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn, quy mô rộng hơn và đặc biệt với các cách sử dụng diệp hạ châu thông thường như pha trà để xác định các lợi ích sức khỏe này.
Cho tới nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận ở những người dùng diệp hạ châu. Một số trường hợp có thể gặp các tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn, tiểu buốt, tiểu ra máu hoặc đau bụng, trong đó đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất.
Một số người tuyệt đối không được sử dụng diệp hạ châu. Ảnh minh họa.
Diệp hạ châu chưa được chứng minh là an toàn đối với trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Thêm vào đó, nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị các tình trạng bệnh lý như tiểu đường, hạ huyết áp, đông máu, lợi tiểu, tuyệt đối bạn không được tự ý dùng thêm diệp hạ châu. Trước khi sử dụng diệp hạ châu với mục đích hỗ trợ một tình trạng bệnh lý, bạn cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Diệp hạ châu có thể tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn đông máu. Do đó, nếu bạn có lịch phẫu thuật, hãy ngừng dùng diệp hạ châu ít nhất 2 tuần trước ngày phẫu thuật để tránh làm tăng nguy cơ chảy máu.