Vối là một loại cây trồng khá phổ biến ở nước ta. Nụ vối, lá vối được sử dụng nấu nước lá vối uống hàng ngày, tương tự như nước chè xanh.
Cây vối (tên khoa học là Cleistocalyx Operculatus) là loài thân gỗ. Lá, cành non và nụ vối thường có mùi thơm dễ chịu đặc trưng.
Trong >lá vối và nụ vối có tanin, một số vitamin và chất khoáng, có tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Dưới đây là một số lợi ích của lá vối và nước lá vối.
1. Hỗ trợ điều trị tiểu đường
Trong trà nụ vối có các hợp chất flavonoid rất hiệu quả trong việc phòng và điều trị cho bệnh nhân tiểu đường.
Người bệnh đái tháo đường nên uống trà nụ vối thường xuyên vì giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống oxy hóa tế bào, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở bệnh nhân tiểu đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản.
Tuy nhiên, người bệnh cần thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể.
2. Hỗ trợ điều trị gout
Uống nước lá vối mỗi ngày giúp giảm lượng khoáng chất uric trong cơ thể nên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Tuy nhiên, trong điều trị, nước lá vối chỉ mang tính hỗ trợ, không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
3. Giảm mỡ máu
Trong nước lá vối có một số loại muối khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể, đồng thời còn giúp giảm mỡ máu. Công thức đun nước lá vối để giảm mỡ máu:
Chuẩn bị 15-20g nụ vối, hãm lấy nước uống thay trà uống trong ngày, hoặc nấu thành nước đặc chia làm 3 lần uống trong ngày. Để hiệu nghiệm, người bệnh cần duy trì uống thường xuyên.
4. Hỗ trợ tiêu hóa và giảm đầy bụng
>Nước lá vối tươi có chứa nhiều chất >dinh dưỡng, vitamin và chất tanin có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Từ đó, cải thiện tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
5. Giải độc gan và thận
Việc sử dụng lá vối để nấu thành nước uống hàng ngày có thể giúp cơ thể giải độc, thanh lọc gan thận, lợi tiểu và loại bỏ độc tố gây hại.
6. Hỗ trợ ngăn ngừa, điều trị gan nhiễm mỡ
Nước lá vối cũng có tác dụng giảm nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.
Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý đây chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ, không phải là phương pháp điều trị chính.
Một số lưu ý khi sử dụng lá vối
- Tuyệt đối không uống nước lá vối trong lúc đói bụng. Loại nước này có tác dụng tiêu thực, thúc đẩy tiêu hóa, kích thích nhu động ruột co bóp mạnh nên có thể gây cảm giác đau bụng, đau dạ dày, cồn cào,… khi bụng đói.
- Không nên nấu nước lá vối quá đặc hoặc uống nhiều, điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa.
- Tránh uống nước lá vối ngay sau khi ăn vì sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, tác động đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Tốt nhất bạn nên sử dụng sau khi ăn khoảng 1-2 tiếng.
- Nếu trong quá trình uống nước lá vối, cơ thể người bệnh xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần báo với bác sĩ chuyên khoa để xử lý sớm.
(Theo TCI, Vinmec)