Dịch cúm H5N1 đang diễn biến khó lường, chuyên gia đã cảnh báo đến nhiều địa phương, đồng thời lưu ý các biện pháp phòng tránh trong đó là nguồn lây từ một số món ăn, thức uống.
Thông tin y tế
Như trước đó Người Lao Động đưa tin, bé gái 11 tuổi người Campuchia tử vong vì cúm gia cầm H5N1. Bà Youk Sambath, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, cho biết bé gái bắt đầu phát bệnh từ ngày 16-2-2023 với các triệu chứng sốt 39 độ C, ho và đau họng.
Sau 3 ngày điều trị liên tục, bé gái bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và được chuyển đến bệnh viện nhi quốc gia ở thủ đô Phnom Penh.
Bà Sambath nói rằng vào ngày 21-2-2023, bác sĩ đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Y tế Công cộng Quốc gia Campuchia và nhận được kết quả vào ngày 22-2-2023, cùng ngày bé gái được tuyên bố đã tử vong.
Sau khi vụ việc xảy ra, các bác sĩ thú y đã lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 17-2-2023 và đang chờ kết quả từ phòng thí nghiệm.
Cũng theo Tuổi Trẻ, ngày 24-2, Viện Pasteur TP.HCM dẫn thông tin chia sẻ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan đầu mối y tế quốc tế cho hay tại tỉnh Prey Veng của Campuchia (tỉnh có đường biên giới với Việt Nam) bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao. Trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.
Trước bối cảnh trên, Viện Pasteur TP.HCM đề nghị giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo các đơn vị/phòng ban. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A (H5N1) thuộc nhóm A theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Vi rút này có độc lực cao, có khả năng lây từ gia cầm sang người, với tỉ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
Tiền sử dịch tễ là đã từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh, hoặc từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.
Món ăn gây nguy cơ nhiễm bệnh
Đáng chú ý, theo Dân Trí, BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiết canh gia cầm, vốn là món khoái khẩu của nhiều người Việt là một trong những con đường nguy cơ rất cao lây nhiễm cúm gia cầm, nếu con vật đó có mang bệnh. "Có không ít người lựa chọn tiết canh gia cầm (tiết canh vịt, tiết canh ngan…) cho "an toàn" vì nghĩ rằng không có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn như tiết canh gia súc. Cách làm này khiến người dân tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", BS Phúc phân tích.
Trong tiết canh gia cầm dù không có liên cầu khuẩn nhưng lại tồn tại nhiều mầm bệnh nguy hiểm không kém như: cúm gia cầm, tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán… Đặc biệt là quá trình cắt tiết, chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến vi khuẩn trên da, lông động vật dễ dàng xâm nhập vào máu.
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Đáng lưu tâm là nguy cơ mắc cúm gia cầm có thể đe dọa nghiêm trọng đến >sức khỏe thậm chí là tính mạng của bệnh nhân. Chúng tôi cũng đã từng tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc cúm gia cầm diễn biến nặng, nguy kịch".
Cúm gia cầm nguy hiểm như thế nào?
Theo BS Phúc, biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng virus. Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.
Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm, cần nghi ngờ nhiễm bệnh và phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời.