Từ chất xơ đến protein, các chất dinh dưỡng ẩn trong thực phẩm có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.

Lam Lam (t/h) 16:33 31/08/2023

Chúng ta vẫn luôn được nhắc nhở rằng bữa sáng là bữa ăn đặc biệt không được thiếu trong ngày. Thậm chí, có chuyên gia >sức khỏe còn đánh giá đó là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.

Mặc dù cho đến nay chưa có nhiều bằng chứng cho thấy bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày nhưng không thể phủ nhận lợi ích sức khỏe của nó. Đặc biệt, với một số người gặp vấn đề cụ thể về sức khỏe thì việc ăn sáng như thế nào sẽ có tác động không nhỏ, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường.

Tiểu đường là một bệnh mãn tính, theo đó lượng đường trong máu tăng lên mức nguy hiểm nếu người bệnh không được thực hiện các bước để kiểm soát. Nếu bạn đang sống với bệnh liên quan đến đường huyết này, bạn có thể gặp tình trạng đường huyết cao vào buổi sáng. Theo giải thích của cơ quan y tế Mayo Clinic (Mỹ), điều này thường xảy ra từ 4h-8h sáng nhưng nguyên nhân không rõ ràng.

Nắm được điều này, các chuyên gia y tế đã tìm hiểu và đưa ra các biện pháp giúp bệnh nhân tiểu đường khắc phục tình trạng tăng đường huyết vào buổi sáng, trong đó lựa chọn bữa ăn phù hợp là một giải pháp.

Nói rõ hơn về vấn đề này, trên trang Express Daily, tiến sĩ, HLV sức khỏe Sunni Patel, chuyên gia y tế của trang Dish Dash Deets (Anh), đã chia sẻ 5 thực phẩm "tốt nhất" nên có trong bữa sáng để đưa lượng đường trong máu trở lại đúng hướng.

1. Thực phẩm giàu chất xơ

HLV sức khỏe Sunni Patel giải thích: Cơ thể không tiêu hóa chất xơ, do đó không làm tăng lượng đường trong máu của bạn. Thay vào đó, nó làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate, có thể dẫn đến việc giải phóng glucose dần dần vào máu. Điều này giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến và giảm lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.

Do đó, tiến sĩ Patel khuyên bạn nên chọn ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc cám, trái cây, rau và các loại hạt cho bữa sáng nếu bạn thường gặp vấn đề về đường huyết.

2. Thực phẩm giàu protein

Protein có thể giúp ổn định lượng đường trong máu của bạn bằng cách giảm tác động của carbohydrate lên glucose.

Cơ thể bạn cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa các chất >dinh dưỡng đa lượng, do vậy có thể giúp làm chậm sự hấp thụ glucose từ đường tiêu hóa. "Nó cũng kích thích giải phóng các hormone thúc đẩy cảm giác no, có thể ngăn ngừa ăn quá nhiều và giúp điều chỉnh lượng đường trong máu", tiến sĩ Patel nói thêm.

Ông đề nghị bệnh nhân tiểu đường chọn trứng, sữa chua Hy Lạp, phô mai và thịt nạc trong thói quen ăn sáng của mình.

3. Chất béo lành mạnh

Kết hợp chất béo lành mạnh vào bữa sáng của bạn có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và giải phóng đường vào máu của bạn. Tương tự như protein, chất béo lành mạnh cũng có thể giúp bạn cảm thấy no, giúp ngăn ngừa ăn quá nhiều.

Với suy nghĩ này, tiến sĩ Patel khuyên nên ăn các loại thực phẩm như bơ, các loại hạt và dầu ô liu cho bữa sáng để kiểm soát đường huyết tốt hơn.

4. Rau không chứa tinh bột

Được đóng gói với các chất dinh dưỡng và chất xơ, các loại như rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, ớt, cà chua thường có ít carbohydrate và calo.

Hàm lượng chất xơ cao của chúng có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ổn định lượng đường trong máu rất tốt.

"Ngoài ra, bản chất ít calo của chúng có thể hỗ trợ quản lý cân nặng. Điều này rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu tổng thể", tiến sĩ Patel cho biết.

5. Trái cây có đường huyết thấp

Chỉ số đường huyết mô tả tốc độ carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu của bạn.

Các loại trái cây như quả mọng, táo, lê và trái cây họ cam quýt có chỉ số đường huyết thấp hơn nên sẽ giải phóng đường vào máu chậm hơn. "Điều này có thể giúp tăng lượng đường trong máu của bạn dần dần thay vì tăng vọt", bác sĩ nói thêm.

Nhìn chung, lựa chọn chế độ ăn uống và lối sống kém có thể đặt nền móng cho >bệnh tiểu đường loại 2 hoặc khiến cho bệnh tiểu đường thêm nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia y tế luôn cố gắng khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường hoặc có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cần lưu ý những thực phẩm nên ăn và nên tránh.

Cùng quan điểm này, Claire Lynch, một chuyên gia về bệnh tiểu đường từ Plant Based Health Professionals, cho biết trên Express Daily: Khi xem xét loại thực phẩm có tác động đến bệnh tiểu đường, cần nhắc đến cả những thực phẩm nên tránh. Tiêu thụ quá nhiều một số thực phẩm có thể dẫn đến kháng insulin - có thể là bước đệm cho tình trạng đường huyết.

Và bên cạnh việc ăn uống lành mạnh, Claire Lynch khuyên mọi người, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường nên nên hạn chế hoặc tránh 3 nhóm thực phẩm để giảm thiểu nguy cơ xảy ra điều này, bao gồm: Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, thực phẩm tinh chế và thực phẩm chiên rán. Những thực phẩm này có liên quan đến việc gây ra stress oxy hóa, viêm hoặc tổn thương tế bào trực tiếp, dẫn đến sự phát triển của kháng insulin.

 

Theo TT/Tổ quốc