Cá là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng hàng đầu cho con người, vitamin và các thành phần trong cá được ví như 'thuốc bổ' tăng cường sức khỏe và thể chất. Đặc biệt, nếu bắt gặp các loại cá sau, bà nội trợ không nên bỏ phí.
Vitamin và thành phần trong cá
Các dưỡng chất và lợi ích trong cá được nhắc đến rất nhiều. Cá giàu vitamin như D, E, canxi, omega-3, DHA… có lợi cho tim mạch, thị giác, tăng cường hệ miễn dịch, giúp xương chắc khỏe, nên ăn ít nhất ba lần mỗi tuần.
Cá là một trong những thức ăn đầu tiên xuất hiện trong bữa ăn của loài người. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, cá luôn giữ vai trò quan trọng trong chế độ >dinh dưỡng của con người từ xưa cho đến nay. Cá giàu dưỡng chất có lợi cho >sức khỏe, được khuyến nghị nên đưa vào thực đơn hàng tuần.
- Có lợi cho tim mạch
Cá là thực phẩm chứa nguồn chất béo tốt nhất, giàu axit béo omega-3, 6, 9 và chứa rất ít cholesterol xấu... Omega-3 thấm qua màng tế bào, góp phần quan trọng vào quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào để có trái tim khỏe mạnh.
Ăn cá giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm hiện tượng máu bị vón cục dẫn tới tắc nghẽn mạch máu, phòng tránh đột quỵ... Người có bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu có thể ăn nhiều cá mỗi tuần.
- Tốt cho mắt, não bộ
Axit béo omega-3 còn có lợi trong việc cải thiện thị lực, cấu tạo tế bào võng mạc mắt. Bởi mắt và não tập trung nhiều omega-3 và cần nguồn chất béo này để duy trì sức khỏe và các chức năng khác của cơ thể. Vitamin A có trong cá giúp mắt sáng khỏe, phòng tránh các bệnh về mắt. Ngoài ra, lượng DHA dồi dào trong cá là một những dưỡng chất giúp não bộ phát triển, tăng khả năng học hỏi và ghi nhớ.
Trẻ nhỏ hay những người thường xuyên làm việc với máy tính nên đưa cá vào thực đơn mỗi tuần để cho đôi mắt tinh anh, não bộ hoạt động tốt hơn. Ăn cả thịt và mỡ cá vì mỡ chứa rất nhiều omega-3, dễ tiêu chứ không khó tiêu như mỡ thịt.
- Tăng khả năng miễn dịch
Cá không chỉ góp phần phong phú bữa ăn mà còn chứa nguồn đạm giúp cơ thể luôn duy trì thể trạng tốt, tăng cường hệ miễn dịch. Axit béo omega-3 giúp cân bằng tỷ lệ omega 6:3 và tạo ra phản ứng kháng viêm trong cơ thể. Phản ứng này giúp làm dịu hệ miễn dịch và duy trì sự hoạt động cân bằng.
- Xương chắc khỏe hơn
Canxi - một trong những vi chất rất cần cho xương còn có nhiều trong cá. Để nhận được nhiều canxi hơn, bạn nên ăn cá ninh nhừ, cá nhỏ ăn luôn xương. Bên cạnh canxi, vitamin D có trong cá giúp canxi hấp thu vào xương tốt hơn, cho xương chắc khỏe. Những người thiếu canxi, bậc cao niên thường mắc các bệnh loãng xương, xương giòn, dễ gãy nên đưa cá vào thực đơn.
Những loại cá ngon, bổ, giá bình dân
- Cá chép
Cá chép được coi là một loại cá có vị ngọt và tính bình theo quan niệm Đông y. Nó là nguồn cung cấp protein và vitamin phong phú, có tác dụng trong việc điều trị ho, hen suyễn, tăng tiết sữa, giúp lợi tiểu và giảm phù, cũng như thúc đẩy sự thèm ăn và cải thiện hệ tiêu hóa.
Cá chép được biết đến là một loại cá tốt và giàu dinh dưỡng, thường được các bà bầu sử dụng để bổ sung chế độ ăn. Đặc biệt, đối với những người bị tích nước trong cơ thể, tiêu chảy nước, da vàng, tiểu ít hoặc các vấn đề liên quan đến việc mang thai, việc bổ sung cá chép vào thực đơn có thể có lợi.
- Cá mè hoa
Cá mè hoa, một loại cá phổ biến và có giá cả phải chăng, chứa một lượng dinh dưỡng cao. Trong mỗi 100g thịt cá mè hoa, chúng ta có 15,3g protein, 2,2g chất béo, 82mg canxi, 18mg phospho, 0,8mg sắt, 229mg kali, 4,7g carbohydrate và nhiều loại vitamin như B1, B2, axit Nicotinic và vitamin E.
Theo y học cổ truyền, cá mè hoa có tính ôn và vị ngọt, có lợi cho những người bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tăng đờm, cao huyết áp, suy thận, đau lưng, đau khớp, gân cốt yếu, tiêu hóa kém, phù ở các chi, và suy hàn vị.
- Cá chim
Cá chim và đặc biệt là cá chim trắng rất ngon và giàu dinh dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ trung bình trong 100g thịt cá chứa 75,2g nước, 19,4g protein, 185mg photpho, 0,6mg sắt, 145mg natri, 263mg kali, 27mg vitamin A, 2mg vitamin PP, 1mg vitamin C, các vitamin B1, B2, 5,4g lipit, 1,1g tro, 15mg canxi, … cung cấp được 126kcal. Đồng thời, cá chim còn giúp cho người bị suy nhược cơ thể phục hồi sức khỏe rất tốt, giải cảm mạo.
Nên ăn bao nhiêu cá là đủ?
Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên ăn ít nhất 2 bữa cá, tương đương khoảng 340g cá/tuần.
Đối với >các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu... mỗi người nên ăn ít nhất 140g/tuần. Phụ nữ sắp hoặc đang có thai, cho con bú không nên ăn quá 280g. Đàn ông và phụ nữ không mang thai có thể ăn tối đa 560g cá béo/tuần.
Đối với các loại cá thịt trắng như cá tuyết, cá bơn, cá chim, cá rô phi... có thể ăn bao nhiêu tùy nhu cầu của cơ thể. Nhưng không ăn quá 140g/tuần cá nhám và cá cờ. Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc muốn có thai nên tránh hai loại cá này vì chúng chứa nhiều thủy ngân hơn các loại khác.
Những lưu ý khi ăn cá
Thịt cá giàu dinh dưỡng, nhưng nếu ăn cá không đúng cách, lại có hại cho sức khỏe, thậm chí có khi còn mắc bệnh nghiêm trọng.
- Tránh ăn gỏi cá/cá sống
Đa số các loài cá đều bị nhiễm ký sinh trùng một cách tự nhiên. Nếu ăn cá sống, các kí sinh trùng này sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây bất lợi cho gan, làm cho gan bị nhiễm ký sinh trùng, thậm chí dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, cá có thể ăn phải các trứng sán có nhiều ngoài môi trường sống.
Khi vào cơ thể động vật, trứng sán phát triển thành các ấu trùng và nang sán cư ngụ ở trong nội tạng động vật. Một trong số những loài kí sinh trùng mà cá nhiễm phải là sán dây.
Loại ký sinh trùng này nếu không được tiêu diệt có thể lây sang cơ thể người và cư trú trong ruột của người suốt nhiều năm và gây ra những cơn đau quằn quại, sút cân và bệnh thiếu máu.
- Ăn cá khi đang uống thuốc ho
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người ho lâu ngày và phải dùng thuốc điều trị không nên ăn cá, đặc biệt là cá biển để tránh bị dị ứng. Trong cá biển có chứa nhiều histamine, khi được nạp vào cơ thể quá nhiều nó sẽ xâm nhập vào quá trình tuần hoàn máu, gây ra hiện tượng dị ứng với histamine.
- Ăn cá ướp (muối)
Có rất nhiều người thích ăn một số loại cá ướp, bởi chúng có hương vị đậm đà, tạo cảm giác ngon miệng và thèm ăn tốt hơn hẳn.
Trên thực tế, mọi người cũng nên biết rằng cá ướp có chứa nhiều muối, trong quá trình ướp nó sẽ tạo ra một lượng nhất định nitrit - chất gây ung thư đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. Một số chuyên gia còn chứng minh rằng chỉ cần ăn một kg cá muối mặn ngang với việc hút 250 điếu thuốc. Nếu ăn loại cá này quá thường xuyên trong thời gian dài, nó có thể khiến huyết áp của bạn không ổn định hoặc gây hại rất nhiều cho cơ thể chúng ta, thậm chí gây ung thư.
- Ăn cá chiên nhiều lần
Sau khi chiên hoặc bị chiên nhiều lần, mỡ cá sẽ nhanh chóng bị oxy hóa, tạo thành benzopyrene và các chất có hại khác. Nếu ăn quá nhiều món ăn này, có thể làm bạn tăng nguy cơ suy tim hoặc ung thư thực quản.
Ngoài ra trong quá trình chiên, các protein, vitamin, khoáng chất của cá cũng dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, ảnh hưởng đến sự hấp thụ của cơ thể con người.
- Ăn cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao
Thông thường, các loại cá to, cá biển sâu và cá sống lâu năm thường có hàm lượng thủy ngân cao hơn như: Cá kiếm, Cá cờ (Marlin), cá mập; cá kình (hay còn gọi là cá đổng quéo, cá đầu vuông, cá nàng đào, Tilefish).
Một số loại cá không có nhiều thủy ngân đến mức bạn phải tránh hoàn toàn, nhưng cũng không dồi dào omega 3 để khiến bạn phải tiêu thụ thường xuyên. Không cần ăn nhiều cá sau đây: Cá vược, cá chim lớn, cá nục heo / cá dũa, cá bống, cá hồng biển.