Theo lời đồn thổi, tỏi có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, trong đó có thể hạ huyết áp. Tuy nhiên, tỏi có thực sự kỳ diệu như vậy?
Gần đây, chú Cương 57 tuổi thấy huyết áp của mình luôn ở mức cao, chú thường xuyên cảm thấy chóng mặt nên muốn đến bệnh viện để được khám và kê đơn thuốc. Nhưng vợ chú Cương ngăn cản và nói rằng trên mạng có người khuyên ăn tỏi có thể hạ huyết áp, “làm dịu” tim mạch.
Cứ như vậy, chú Cương bắt đầu ăn tỏi ngọt 3 bữa một ngày, sau khi ăn được một tháng, chứng chóng mặt của chú không những không thuyên giảm mà huyết áp còn cao hơn trước, ợ nóng và trào ngược axit.
Khi đến bệnh viện, huyết áp của chú Cương là 161/102mmHg đạt tiêu chuẩn cao huyết áp, ngoài ra chú còn được chẩn đoán là bị trào ngược dạ dày thực quản. Sau khi biết được thói quen ăn tỏi để hạ huyết áp, bác sĩ đã dặn chú không nên mù quáng tin vào các bài thuốc dân gian, nếu không bệnh tình sẽ trầm trọng hơn và phản tác dụng.
Ăn tỏi thường xuyên có hạ huyết áp được không?
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng "allicin" có trong tỏi là một chất chống oxy hóa tự nhiên, có thể làm giảm khả năng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp xâm nhập vào động mạch, từ đó bảo vệ hệ thống tim mạch.
Ngoài ra, allicin sẽ bị phân hủy trong cơ thể tạo ra hydrogen sulfide, từ đó làm giãn cơ trơn xung quanh mạch máu, tăng tính đàn hồi của mạch máu, hạ huyết áp.
Nhưng cần phải làm rõ allicin trong nghiên cứu khác với chất có trong tỏi. Allicin là một chất chiết xuất, hàm lượng trong tỏi rất hạn chế, tỏi tiêu thụ hàng ngày hoàn toàn không đạt được liều lượng hiệu quả.
Muốn đạt được liều lượng hữu hiệu, mỗi ngày cần ăn mấy chục ký tép tỏi, điều này hiển nhiên rất khó làm. Ngay cả khi nó có thể được thực hiện, cách ăn uống này có thể gây tổn thương cho thực quản và niêm mạc dạ dày và gây ra các bệnh khác.
Ngoài ra, người ta còn lan truyền rộng rãi rằng các loại thực phẩm như cần tây và hành tây có thể hạ huyết áp. Trên thực tế, những điều này đều không có cơ sở.
Suy cho cùng, thực phẩm không phải là thuốc, ngay cả khi chúng chứa một số thành phần có thể hạ huyết áp, chúng ta cũng khó đạt được liều lượng hiệu quả thông qua chế độ ăn uống.
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, biện pháp hữu hiệu nhất để đạt hiệu quả hạ huyết áp tốt là tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, dùng thuốc đều đặn, đúng định lượng, đồng thời cải thiện thói quen sinh hoạt, ăn uống. Niềm tin mù quáng vào “liệu pháp ăn kiêng” dễ dẫn đến huyết áp dao động quá mức và còn đe dọa >sức khỏe.
Ăn nhiều muối có phải “thủ phạm” gây huyết áp cao?
Tăng huyết áp không chỉ là căn bệnh mãn tính có số lượng bệnh nhân lớn nhất mà còn là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tử vong do các bệnh tim mạch và mạch máu não. "Báo cáo bệnh tật và sức khỏe tim mạch Trung Quốc năm 2021" cho thấy trong số những bệnh nhân chết vì nhồi máu cơ tim và suy tim có tới 40% là bệnh nhân tăng huyết áp.
Nguyên nhân gốc rễ của huyết áp cao là gì?
Nhiều người nghĩ rằng họ ăn quá nhiều muối, nhưng thủ phạm thực sự là "chế độ ăn nhiều natri" , không chỉ là muối ăn. Chế độ ăn nhiều natri trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng giữ nước và natri trong cơ thể, lúc này lượng máu tăng lên, áp lực mạch máu tăng mạnh, gây ra bệnh cao huyết áp.
Các nguồn chính của natri trong chế độ ăn uống hàng ngày là các loại thực phẩm sau:
Đồ gia vị chiếm 78,8%, trong đó muối chiếm 62,3%, nước tương chiếm 11,4%;
Thực phẩm tự nhiên chiếm 11,1% như su hào, hải sản, tôm khô,…
Thực phẩm chế biến chiếm 10,1%, chẳng hạn như xúc xích, giăm bông, thịt nguội và dưa chua,…
Ăn nhiều thực phẩm giàu natri trong thời gian dài dễ làm tăng huyết áp, bạn nên kiểm soát lượng ăn vào, ăn càng ít càng tốt.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế "British Medical Journal" (BMJ) của các nhà nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh cho biết muối natri thấp thay cho muối ăn hàng ngày có thể giảm được 450.000 ca tử vong do các bệnh tim mạch mỗi năm.
Muối natri thấp là một loại muối ăn sử dụng muối ăn thông thường làm nguyên liệu thô và giảm nồng độ của các ion natri (Na) bằng cách thêm kali clorua (KCl). Ăn ít muối natri có lợi là giảm lượng natri đưa vào, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhiều người lo lắng an ít muối natri lâu ngày có gây tăng kali máu không? Trên thực tế, điều này hiếm khi xảy ra.
Nồng độ kali trong máu bình thường đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng tim mạch, khi cơ thể hấp thụ lượng kali không đủ, "hệ thống điều tiết kali trong máu" của cơ thể sẽ giảm bài tiết kali, và khi lượng kali hấp thụ tăng lên, nó cũng sẽ xảy ra thúc đẩy bài tiết kali, để đạt được trạng thái cân bằng kali trong máu.
Sự bài tiết kali máu chủ yếu do thận đảm nhiệm, đối với người có chức năng thận bình thường, ăn ít muối natri nhìn chung không gây tăng kali máu.
Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng tốt nếu không có sự kiềm chế, người lớn nên tiêu thụ ít hơn 5g muối natri thấp mỗi ngày. Nếu là bệnh nhân có chức năng thận bất thường nghiêm trọng, tăng kali máu hoặc đang dùng thuốc có hàm lượng kali cao nên tránh ăn muối natri thấp.
Tăng huyết áp là bệnh mãn tính không thể chữa khỏi, khi đã được chẩn đoán hầu hết người bệnh phải dùng thuốc suốt đời mới có thể kiểm soát được tình trạng bệnh.