Nhà sư Lạt Ma Dashi Dorzho Itigilov là một người có đóng góp to lớn đối với văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Đến nay, xác ướp của ông là một trong những bí ẩn chưa có lời giải đối với các nhà khoa học.
Trong suốt nhiều năm qua, giới khảo cổ học đã khai quật được vô số xác ướp được bảo quản hàng ngàn năm trên khắp thế giới. Tuy nhiên có rất nhiều xác ướp vẫn mang trong mình điều bí ẩn và kỳ lạ đến mức khó tin mà tới nay khoa học vẫn chưa thể giải đáp.
Một trong số đó là xác ướp của nhà sư Lạt Ma Dashi Dorzho Itigilov, người Nga. Nhà sư Lạt Ma Dashi Dorzho Itigilov là người có rất nhiều đóng góp cho nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng.
Hình ảnh Lạt Ma Dashi Dorzho Itigilov khi còn sống. Ông là một nhà sư lạt ma Phật giáo người Nga đã chết trong tư thế kiết già (tư thế hoa sen, ngồi thiền) vào năm 1927.
75 năm sau khi mất, máu trong huyết quản thi thể còn nguyên chưa có lời giải
Năm 1927, nhà sư Lạt Ma Dashi Dorzho Itigilov về cõi niết bàn và để lại một lời nhắn hậu thế rằng hãy chôn cất ông như cách ông được tìm thấy. Đó là năm nước Nga rơi vào hỗn loạn vì nội chiến, Lạt Ma Dashi đã gọi các môn đệ tại tự viện để đưa ra lời khuyên cho mọi người trong thời buổi khó khăn, loạn lạc. Sau khi nói xong, ông qua đời ở tư thế ngồi thiền. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông nhắn nhủ: “30 năm nữa hãy quay lại viếng nhục thân của ta”.
Đến năm 1957, ngôi chùa ở Ivolginsky được trùng tu lại, mốt số nhà sư nhớ lại lời của thầy năm xưa nên đã tìm đến nghĩa trang Khukhe-Zurkhen làm lễ cải táng. Điều khiến tất cả những người chứng kiến phải bất ngờ chính là cơ thể Lạt Ma Dashi vẫn ở tư thế ngồi thiền, hoàn toàn nguyên vẹn đúng sau 30 năm chôn cất.
Tới tháng 9/2002, 75 năm sau khi Lạt Ma Dashi qua đời, các nhà khoa học và bệnh lý học một lần nữa khai quật xác ướp của ông lên để kiểm tra. Một lần nữa, xác ướp nhà sư ấy lại khiến hàng chục nhân chứng, trong đó có nhiều nhà khoa học, 2 chuyên viên pháp y và một thợ chụp ảnh, phải sốc vì mức độ nguyên vẹn đến khó tin của thi thể. Cơ, thịt, khớp và da vẫn mềm như của người mới qua đời cách đó chỉ 3 ngày. Máu trong huyết quản thậm chí vẫn còn nguyên, nó chuyển hóa sang dạng sệt chứ không khô đi.
Từ đó đến nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm cách lý giải hiện tượng kỳ lạ này. Một số nhà khoa học cho rằng, muối trong quan tài hay thành phần đặc biệt của đất quanh mộ cũng có tác dụng làm chậm quá trình phân hủy, hoặc bản thân cơ thể Itigilov có một loại gen khuyết với tác động tương tự. Một số khác lại đưa ra giả thiết có một kỹ thuật ướp xác hoàn hảo nào đó mà người ngày nay chưa biết đất.
Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán và hiện tượng xảy ra với xác ướp Lạt Ma Dashi đến nay vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học.
Sự thật sau nghi vấn "hồi sinh"
Vào năm 2016, tức là 14 năm sau lần khai quật thứ 2 (2002), người ta lại tiếp tục được phen xôn xao vì bằng chứng cho thấy Lạt Ma Dashi Dorzho đã "sống dậy" và đi lại trong cung điện của ngài tại khuôn viên Tu viện Ivolginsky, cách thủ đô Ulan Ude của Cộng hòa Buryatia, Siberia (Liên bang Nga) 23km.
Cụ thể, vào lúc 8h tối ngày 10 và 11/10/2016, một hình ảnh do camera giám sát ghi lại cảnh tượng có một bóng dáng kỳ lạ của một người đang đi lại bên trong tu viện Ivolginsky, lúc thì đứng gần ngai vàng, lúc lại đứng gần ghế sofa.
Lạt Ma Damba Ayusheev, hội trưởng hội Phật giáo Truyền thống Sangha là người công bố bức ảnh. Ông khẳng định: "Đây không phải trò đùa, mà là sự thật. Tôi thấy một người trong ảnh mà tôi biết chắc chắn không có ai trong điện Khambo Lama Itigilov lúc đó. Ông đứng gần cửa trước".
Tuy nhiên những bức ảnh mà ông Ayusheev công bố không rõ nét, và ông cũng không đăng video cắt từ camera. "Không có video, chỉ có ảnh flash chụp được hình người", ông viết.
Những bức ảnh được đăng tải đã gây xôn xao trên mạng xã hội Facebook. Nhiều dân mạng tin rằng Lạt Ma Dashi Dorzho "hồi sinh" thật sự. Không ít người lại chỉ ra điểm nghi vấn cho rằng đó đó là hình ảnh của một nhân viên bảo vệ đang xách một túi nilon.
Đến nay, những hiện tượng kỳ lạ xoay quanh xác ướp Lạt Ma Dashi Dorzho vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp và thu hút sự tò mò của rất nghiều người.