Ngoài việc sử dụng các chất thay thế, hiện nay có rất nhiều cách để giảm hấp thụ muối trong chế độ ăn hàng ngày.
Một nghiên cứu mới đây tại Trung Quốc đã chỉ ra việc sử dụng chất thay thế muối có thể cải thiện >sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng chúng không phù hợp với tất cả mọi người vì mỗi người sở hữu một chế độ ăn và thói quen dùng thực phẩm riêng.
Nghiên cứu có sự tham gia của gần 21.000 người đến từ 600 ngôi làng ở 5 tỉnh Trung Quốc. Khoảng 72% và 82% những người này có tiền sử đột quỵ, cao huyết áp. Độ tuổi trung bình của người tham gia là 65 tuổi và 49,5% là nữ.
Các tình nguyện viên đã chia thành hai nhóm. Một nhóm được phát miễn phí chất thay thế muối, chứa 75% natri clorua và 25% kali clorua, để dùng trong nấu ăn, tẩm ướp và bảo quản thực phẩm. Họ cũng được khuyến khích dùng ít chất này để giảm hấp thụ natri từ thức ăn càng nhiều càng tốt, khoảng 20g mỗi người một ngày. Trong khi đó, nhóm còn lại vẫn sử dụng muối để chế biến thực phẩm như bình thường.
Bruce Neal, người chỉ đạo nghiên cứu kiêm giáo sư tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George ở Sydney, Úc cho biết, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rõ ràng về một biện pháp vừa hạn chế ảnh hưởng của muối vừa có thể thực hiện nhanh với chi phí rất thấp. Hơn 365.000 ca đột quỵ và 461.000 trường hợp tử vong sớm có thể tránh được mỗi năm ở Trung Quốc nếu chất thay thế muối đem lại hiệu quả.
Chất thay thế muối liệu có phù hợp với mọi người?
Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của việc dùng các chất thay thế muối trong quá trình chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng điều này chỉ có hiệu quả ở Trung Quốc.
Theo Elizabeth Klodas, bác sĩ tim mạch tại Minneapolis kiêm người sáng lập Step One Foods, người Trung Quốc có thói quen nấu ăn tại nhà nên lượng natri hấp thụ luôn nằm trong tầm kiểm soát của người chế biến thực phẩm. Trong khi đó, người Mỹ lại thường sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chứa natri trước khi họ thêm gia vị.
Natri ẩn náu ở hầu hết mọi nơi. Ví dụ, một chiếc bánh vòng có thể cung cấp 450 miligam natri trước khi bạn cho thêm muối hay gia vị. Lượng natri tối đa các chuyên gia khuyến nghị nên hấp thụ mỗi ngày là 2300 miligam. Do đó, ăn một chiếc bánh sẽ tương đương với khoảng 20% con số này.
Kimberly Gomer, chuyên gia >dinh dưỡng tại Trung tâm Tuổi thọ Pritikin giải thích, về lý thuyết, chất thay thế muối sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do chúng có thể cải thiện tình trạng cao huyết áp. Tuy nhiên, điều này lại đi kèm với một mặt trái.
Kali clorua trong chất thay thế muối là vấn đề lớn. Khi cơ thể lão hóa, chức năng thận sẽ chịu ảnh hưởng và hoạt động chậm lại. Việc bổ sung kali trực tiếp thông qua thực phẩm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điều này.
Ăn gì để tốt cho tim mạch?
Trên thực tế, tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau xanh đã được chứng minh có hiệu quả như dùng thuốc giảm huyết áp.
Theo bác sĩ Elizabeth: “Câu trả lời không nằm ở việc điều chỉnh hàm lượng natri. Thứ bạn cần thay đổi là thực phẩm. Thay vì sử dụng chất thay thế muối, bạn nên lựa chọn các loại thảo mộc, gia vị tự nhiên để nâng cao hương vị của món ăn”. Hầu hết mọi người đã quen với việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối và gia vị. Do đó, bác sĩ Elizabeth cho biết, bạn có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để thực hiện điều chỉnh này.
Ngoài ra, tăng cường các loại thực phẩm tự nhiên, không chứa natri như trái cây và rau xanh cũng là việc làm cần thiết. Theo chuyên gia Kimberly, dùng trái cây trước giờ ăn trưa hoặc ăn tối vừa góp phần giảm lượng natri hấp thụ vừa tăng cường chất dinh dưỡng cần thiết.
Mặc dù bạn có thể phải mất một thời gian để thực hiện thay đổi và nhận thấy lợi ích, phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả rõ ràng. Theo chuyên gia Kimberly, không chỉ ngăn ngừa bệnh tim, sở hữu một chế độ ăn lành mạnh còn giúp giảm đầy hơi, tránh giữ nước và chống tăng cân.
(Nguồn: Health)