Đây đều là những loại nước giúp hệ tiêu hóa hoạt động mượt mà, đồng thời còn hỗ trợ cả quá trình đốt mỡ luôn!
Chẳng cần nói cũng biết: 3 ngày tới, chúng ta đều sẽ "bơi" trong bánh chưng, giò chả, thịt gà,... 3 ngày, tạm tính thì ít nhất cũng phải 6 bữa ăn. Với số lượng đó, chị em rất dễ rơi vào tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Chính vì thế, trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 3 loại nước hỗ trợ tiêu hóa và quá trình đốt mỡ. Dù đã tạm ngưng chế độ ăn kiêng đi chăng nữa, chị em cũng nên uống 1 trong 3 loại nước này trong dịp Tết. Có đỡ béo hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là nhẹ bụng!
1. Nước bí đao
Khả năng giải nhiệt của trà bí đao có thể nói là công dụng được biết đến nhiều nhất. Trong Đông y, bí đao được xem là loại thuốc có tính lạnh. Chính vì thế, uống trà bí đao sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng bị nóng trong người. Đặc biệt là trong dịp Tết, khi mọi người có thói quen "nâng ly mừng năm mới", đây là thức uống chị em không nên bỏ qua.
Ngoài ra, bí đao có chứa loại enzyme rất có lợi cho >sức khỏe, đồng thời còn làm tăng tốc độ trao đổi chất nên giúp các tế bào mỡ bị đốt cháy một cách tối đa, từ đó thúc đẩy quá trình giảm cân đạt hiệu quả cao.
Cách làm nước bí đao
Chuẩn bị: 1 quả bí đao, 2 quả la hán, 1 bó lá dứa (khoảng 200gr), 10gr thục địa.
- Bước 1: Rửa sạch nguyên liệu, cắt bỏ 2 đầu và ruột của bí đao. Không gọt vỏ bí đao và cắt khúc nhỏ dày khoảng 2cm. Đập nhỏ 2 quả la hán và cắt nhỏ thục địa. Lá dứa sau khi rửa sạch, chị em hãy bó lại thành bó nhỏ.
- Bước 2: Cho các nguyên liệu vào nồi, đổ xâm xấp nước và đun sôi trong 30 phút.
Như vậy là chị em đã hoàn thành xong ly nước bí đao rồi!
Lưu ý khi uống nước bí đao
1. Không nên nhịn ăn hay uống loại nước này thay nước lọc. Bạn vẫn nên ăn đủ 3 bữa một ngày và duy trì uống nước bí đao 2-3 ngày/tuần. Mỗi ngày uống 2 ly (tương đương khoảng 500ml).
2. Không nên vì lười mà uống nước ép bí đao sống bởi bí đao sống có tính xà phòng rất cao. Ngày xưa, ở các làng dệt vải, mọi người thường lợi dụng tính chất này của bí đao và dùng nước bí đao sống để tẩy trắng vải thay cho thuốc tẩy.
2. Nước chanh, sả, gừng
Hàm lượng axit citric có trong chanh là một loại axit hữu cơ giúp đốt cháy và giải phóng mỡ thừa trong cơ thể. Ngoài ra, trong chanh còn có hoạt chất polymer pectin sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn và dồi dào lượng vitamin C giúp đào thải độc tố, tăng hệ miễn dịch và kiểm soát lượng đường trong máu.
Sả giúp đánh bay mỡ thừa, hạn chế hấp thụ lipit có trong đường ruột và thức ăn, từ đó thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả. Ngoài ra, nước sả còn có tác dụng ra mồ hôi, thông tiểu tiện, tiêu đờm giúp cho cơ thể tăng cường bài tiết và đào thải, từ đó làm hạn chế sự hấp thu các thành phần lipit có trong thức ăn vào đường ruột. Dùng nước sả thường xuyên sẽ có tác dụng giảm cân, giảm mỡ bụng hiệu quả.
Cách làm nước chanh, sả, gừng
Chuẩn bị: 4 quả chanh, 10 nhánh sả, 100gr gừng (khoảng 3 củ), 500gr đường phèn, muối.
- Bước 1: Sả bỏ phần lá xanh, rửa sạch, đập dập rồi cắt khúc khoảng 7-10cm. Gừng rửa sạch, giữ nguyên vỏ, cắt thành từng lát mỏng khoảng 0,5cm rồi đập dập.
- Bước 2: Nấu nước chanh sả gừng
Bạn đặt nồi lên bếp đổ vào 2,5 lít nước sạch và 500 gram đường phèn nấu sôi đến khi đường tan hết.
Tiếp theo bạn cho phần sả vào nồi đun sôi thêm 5 phút rồi cho gừng cùng 1/2 thìa cà phê muối vào nồi đun sôi thêm 1 phút thì tắt bếp.
Để nước sả, gừng nguội khoảng 30 phút bạn nhấc nồi xuống, vớt sả gừng ra ngoài và lọc nước sả gừng qua rây cho hết cặn.
Sau khi nước sả gừng nguội hẳn, bạn vắt chanh vào, khuấy đều, có thể thêm đá nếu muốn uống lạnh.
Vậy là chị em đã hoàn thành xong ly nước này rồi!
3. Nước nha đam, đường phèn
Vốn là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và sắc đẹp nên nha đam (hay còn được gọi là cây lô hội) được sử dụng chế biến thành nhiều món ăn như sinh tố, sữa chua, chè… Trong đó, nha đam nấu đường phèn lá dứa chiếm được cảm tình nhiều người hơn cả bởi vị ngọt thanh của đường phèn cùng hương thơm dịu nhẹ của lá dứa.
Đồng thời, thức uống này chứa nhiều vitamin, khoáng chất có tác dụng giải nhiệt và hỗ trợ tiêu hóa rất tốt.