Gắp thức ăn cho người khác là thói quen quen thuộc trong bàn ăn của người Việt. Nhưng thật đáng sợ khi chính “phép lịch sự ăn uống” đó khiến tỷ lệ mắc bệnh của người Việt ngày càng cao.
1. “Hãy để tôi tự gắp những gì tôi thích”
Đó sẽ là điều muốn nói nhất nhưng lại không dám nói ra khi một người liên tục được người khác gắp thức ăn cho trong khi đang ngồi bàn ăn.
Đồng ý rằng đây được xem là một lễ nghi, thậm chí mang cả tính “phong tục tập quán” của người Việt Nam xưa và nay. Người nhỏ gắp thức ăn cho người lớn để bày tỏ sự tôn kính, người lớn gắp thức ăn cho người nhỏ thể hiện tình cảm yêu thương.
Rất tốt trong vấn đề lễ nghĩa nhưng việc làm này lại có tác dụng không hề tốt trong việc ăn uống vì nó thực sự là một “cực hình” đối với người nhận nó.
Món ăn mà bạn cho rằng đó là đồ ăn ngon, bổ dưỡng chưa chắc là bổ dưỡng và thực sự ngon trong mắt của người được nhận.
Nhưng vì phép lịch sự, người nhận chỉ biết ngậm ngùi nói “Cứ để con/cô tự ăn” và hậu quả là dẫn đến việc ăn vô độ, vô tội vạ, ăn những thứ mình không thích.
Con đường lây bệnh cực kỳ nguy hiểm
Chia sẻ thêm những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng đũa, muỗng mình đang ăn để gắp cho người khác, các chuyên gia y tế cho biết:
“Khoang miệng của mỗi người chứa gần 80 triệu vi khuẩn khác nhau, trong đó có những vi khuẩn gây bệnh như: Viêm gan A, viêm gan E, viêm loét dạ dày, tiêu chảy... có thể lây lan qua đường ăn uống chung”.
Vậy là chính cái hành động gắp thức ăn được cho là phép lịch sử đó lại chính là con đường gây bệnh vô cùng nguy hiểm.
Càng đáng sợ hơn, khi đó không phải là những căn bệnh bình thường mà là những cái tên rất đáng e ngại như: virut viêm gan A, vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP).
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE), Việt Nam có trên 80% dân số bị vi khuẩn HP. Đây là vi khuẩn gây nên các bệnh về dạ dày, đường tiêu hóa lây truyền chủ yếu qua ăn uống.
Cùng với đó, Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam cho biết: “Việc gắp thức ăn cho nhau có thể dẫn đến lây các bệnh qua đường tiêu hóa như viêm gan A, đặc biệt là vi khuẩn HP - một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, lâu ngày tiến triển thành ung thư dạ dày”.
Như vậy, thái độ thoải mái, gần gũi sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc gắp thức ăn cho người khác trong cùng bàn ăn.
Hãy nhớ rằng thói quen lịch sự nhưng không khoa học thì không nên duy trì.