Cà phê và trà là hai trong số những thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Cả hai đều chứa caffein, chất chống oxy hóa và có thể giúp con người cảm thấy tràn đầy sinh lực.
Cà phê hay trà giúp tỉnh táo nhanh hơn?
Cà phê và trà đều chứa caffeine, một chất kích thích có thể giúp cơ thể tỉnh táo và tràn đầy sinh lực.
Theo tiến sĩ Christopher Gardner, giám đốc nghiên cứu >dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng bệnh Stanford (Mỹ), một tách cà phê thường chứa 80 đến 100mg caffeine. Trong khi đó, một tách trà chỉ chứa từ 30 đến 50mg caffeine.
Phó giáo sư chuyên ngành thần kinh học Matthew Chow đến từ Trường Y khoa thuộc Đại học California Davis (Mỹ), ủng hộ tuyên bố này. Ông nói: "Nói chung, cà phê có lượng caffein nhiều gấp 2-3 lần so với trà đen. Tuy nhiên, tỷ lệ chính xác phụ thuộc vào một số yếu tố, như loại trà, lượng trà dùng để pha một tách, nhiệt độ của nước, khoảng thời gian trà được để nguội…".
Ví dụ, trà đen chứa khoảng 48mg caffeine trong một tách, trong khi trà xanh chỉ chứa 29mg. Các loại trà thảo mộc như trà bạc hà và trà hoa cúc hoàn toàn không chứa caffeine.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, điều quan trọng là mọi người không nên tiêu thụ quá nhiều caffeine. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên dùng quá 4-5 tách cà phê mỗi ngày. Bởi vì quá nhiều caffeine có thể gây ra buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ, lo lắng và nhịp tim tăng cao, thậm chí co giật.
Khả năng dung nạp caffeine của mỗi người là khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi phản ứng của cơ thể và điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn trà. Phó giáo sư Matthew Chow nói: "Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn trà, socola nóng và rượu vang đỏ".
Các chất chống oxy hóa phổ biến trong cà phê bao gồm axit chlorogenic, ferulic, caffeic và n-coumaric. Một số chuyên gia thậm chí còn coi caffeine là một chất chống oxy hóa. Một thành phần chính của trà xanh được gọi là catechin cũng được coi là một chất chống oxy hóa có đặc tính chống viêm.
Do đó, nếu muốn tỉnh táo ngay lập tức thì lượng caffeine cao trong cà phê sẽ giúp người uống đạt được cảm giác tỉnh táo nhanh chóng hơn trà. Còn nếu muốn tìm kiếm thức uống giúp tỉnh táo, tập trung mà không gây nhiều tác dụng phụ, trà xanh có thể là một lựa chọn phù hợp.
Lợi ích >sức khỏe khi uống trà
Mặc dù tác dụng giúp tỉnh táo không nhanh bằng cà phê nhưng trà giúp tăng năng lượng một cách bền vững hơn cà phê.
Đó là bởi vì trà, không giống như cà phê, có chứa L-theanine (tanin), một amino axit có thể chuyển hóa caffeine trong một thời gian dài. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy rằng sự kết hợp L-theanine và caffeine giúp tăng sự tập trung đáng kể so với những người chỉ tiêu thụ caffeine. Nghiên cứu kết luận rằng sự kết hợp của cả hai cải thiện hiệu quả nhận thức và sự chú ý.
Ảnh minh họa
Cả trà xanh và trà đen đều chứa L-theanine, mặc dù vậy, trà xanh có nhiều hơn một chút, vào khoảng 6,56 mg trong một tách, trong khi trà đen chỉ có 5,13 mg.
Hơn nữa, uống trà có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, nhờ vào hàm lượng flavonoid dồi dào. Bằng chứng từ các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hấp thụ nhiều flavonoid hơn giúp tăng độ nhạy insulin, giảm tình trạng kháng insulin và cải thiện thành phần lipid máu.
Tuy nhiên, trà xanh cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu sử dụng quá nhiều. Chẳng hạn, trà xanh mặc dù chứa ít caffeine hơn cà phê nhưng vẫn có thể gây lo lắng, bồn chồn cho người nhạy cảm khi uống. Do vậy, việc sử dụng trà xanh nên ở mức độ vừa phải để đảm bảo sức khỏe.