Bên cạnh thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, mụn xuất hiện còn do mất cân bằng nội tiết bên trong, cần được thăm khám cụ thể.
Mụn không chỉ thường gặp ở tuổi dậy thì mà còn xảy ra với nhiều người trưởng thành. Nếu đã thử nhiều cách như làm sạch da mặt, sử dụng thuốc bôi ngoài da, đến ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước mát... nhưng không cải thiện tình trạng mụn, bạn cần tới gặp ngay các bác sĩ da liễu để được tư vấn, thăm khám cụ thể.
Nguyên nhân gây mụn
Các chuyên gia da liễu cho biết, bước qua tuổi dậy thì, nếu bạn vẫn bị mụn "tấn công" thì thường do một trong hai nguyên nhân dưới đây.
Một là, do thói quen sinh hoạt hàng ngày không hợp lý. Những người hay thức khuya, ăn nhiều đồ chiên nướng dầu mỡ, uống ít nước, tỷ lệ nổi mụn thường cao hơn do làn da không đủ khỏe, dễ tích tụ nhiều độc tố. Ngoài ra, nếu không rửa mặt thường xuyên, đúng cách, bụi bẩn dễ dàng tích tụ trên da làm bít lỗ chân lông, gây mụn...
Hai là, do cơ thể mất cân bằng nội tiết. Theo các bác sĩ da liễu, nếu hormone androgen trong cơ thể nữ giới tăng, sẽ làm tăng tiết bã nhờn, kích thích quá mức các tuyến dầu, thay đổi sự phát triển của các tế bào nang lông, khiến vi khuẩn phát triển, gây viêm và xuất hiện mụn trên da. Từ đó, mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc một số trường hợp nặng hơn là mụn mủ, mụn nang... sẽ lan nhanh.
Cách khắc phục mụn
Để cải thiện tình trạng mụn, ngoài thay đổi thói quen sinh hoạt, bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí phù hợp, nhất là việc sử dụng thuốc để cân bằng nội tiết từ bên trong.
Về thói quen sinh hoạt, bạn cần tăng cường tiêu thụ các loại thức ăn bổ sung estrogen như đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, tránh xa đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo, chất kích thích. Chế độ nghỉ ngơi phù hợp, ngủ đủ 7-9 giờ mỗi ngày để cơ thể có thể tái tạo lại năng lượng và phục hồi sau những tổn thương gây ra bởi tia UV và các tác nhân độc hại hàng ngày cũng là một cách để mụn thuyên giảm. Ngoài ra, bạn cũng cần giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, rèn luyện thể thao, nâng cao >sức khỏe.
Giữ da mặt sạch sẽ bằng cách vệ sinh 2-3 lần mỗi ngày sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn cũng rất cần thiết. Khi rửa mặt, bạn không nên chà mạnh tay khiến da bị tổn thương hoặc mất đi độ ẩm.
Nếu thói quen sinh hoạt đã thay đổi mà tình trạng mụn không có tiến triển, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Theo đó, các chuyên khoa có thể tư vấn một số thuốc bôi ngoài da có nguồn gốc từ vitamin A hay viên uống nội tiết để cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Một số thuốc viên nội tiết có khả năng ức chế sự sản sinh nội tiết tố nam giúp giảm sự bài tiết bã nhờn của da và cải thiện tình trạng mụn. Tuy nhiên, việc sử dụng những sản phẩm này cần được theo dõi và đánh giá chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên môn để có kết quả tốt.