Thật bất ngờ, theo các chuyên gia làm đẹp, những nguyên liệu thường có trong mỹ phẩm làm đẹp này tưởng chừng như vô hại nhưng lại gây ra rất nhiều hậu quả xấu cho làn da mặt của bạn.

12:10 04/04/2019

Ngoài body chuẩn, thanh thoát thì một làn da mặt trắng sáng, không tì vết cũng sẽ mang đến cho bạn sự tự tin và thu hút ánh nhìn từ mọi người. Thế nhưng, làn da mặt mỏng manh của chúng ta lại thường xuyên chịu sự tác động từ môi trường bên ngoài nên dễ dẫn đến đen sạm và xấu xí. Lúc ấy, mỹ phẩm >làm đẹp sẽ là “từ khóa” đầu tiên mà nhiều cô nàng nghĩ đến. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ tìm hiểu thật kĩ các thành phần có trong các sản phẩm làm đẹp của mình có công dụng như thế nào chưa? Vì có rất nhiều thành phần thường xuyên hiện diện trong rất nhiều loại mĩ phẩm nhưng chúng lại vô cùng có hại cho làn da mặt của bạn.

Dưới đây là những thành phần mà hầu hết các chuyên gia làm đẹp đều tránh, mời bạn cùng tham khảo:

Chanh

Chanh chứa rất nhiều acid thế nên nguyên liệu quen thuộc này rất dễ gây nên hiện tượng kích ứng cho da. Bạn nghĩ xem, chanh có thể hủy hoại được men răng thì làn da mặt mỏng manh của bạn làm sao chịu nổi sự tác động của chúng.

Đường

Đường quá thô và cứng đối với da mặt của bạn, tuy có nhiều công thức làm đẹp chứa đường và được nhiều người áp dụng. Nếu cần tẩy tế bào chết cho da, các chuyên gia làm đẹp khuyên chúng ta hãy thử các loại sản phẩm đã được bào chế của các thương hiệu mĩ phẩm uy tín.

Nước nóng

Rửa mặt bằng nước nóng là thói quen và cũng là sở thích của nhiều cô nàng, tuy nhiên chúng sẽ khiến da mặt bị khô và dễ gây kích ứng, đặc biệt là với loại da nhạy cảm, nhiều mụn hay da dầu. Thế nên, tốt hơn hết là bạn sử dụng nước ấm vừa phải sẽ tốt cho da hơn rất nhiều.

Baking soda

Có rất nhiều mẹo làm kem dưỡng da bằng bột baking soda, nhưng theo các chuyên gia làm đẹp thì tất cả những nguyên liệu có khả năng làm sạch bồn rửa tay hay nhà tắm như bột baking soda thì không thể nào áp dụng được trên da mặt vốn rất nhạy cảm.

Chất tạo hương tổng hợp

Hầu hết các sản phẩm làm đẹp có chất tạo hương tổng hợp thường chứa hóa chất phthalates rất độc hại cho da, vì vậy, hãy chỉ dùng những loại sản phẩm có mùi hương tự nhiên nếu bạn thích mùi thơm để thư giãn lúc làm đẹp.

Chất tạo màu tổng hợp

Ngày nay, màu tổng hợp thường được dùng rộng rãi trong các sản phẩm tắm gội, chăm sóc tóc, mỹ phẩm… Những chất này là chế phẩm của ngành sản xuất dầu mỏ và than đá, và chúng rất dễ gây ra hiện tượng rát da, dị ứng, thậm chí ung thư da. Nhìn vào nhãn mác của sản phẩm, bạn sẽ nhận thấy các ký hiệu FD&C hoặc D&C, chúng là những chất tạo màu tổng hợp. Kí hiệu F thường sử dụng cho thực phẩm còn D&C thường được dùng nhiều trong dược phẩm và mĩ phẩm. Phía sau các kí tự này thường đi kèm màu sắc (ví dụ D&C Red 27 or FD&C blue 17. Propylene glycol).

Propylene glycol

Propylene glycol là nguyên liệu thường có mặt trong các loại mỹ phẩm giúp dưỡng ẩm cho da. Propylene glycol là một chất tổng hợp được tạo ra từ phản ứng của propylen oxit với nước dạng lỏng, có thể hấp thụ nước khiến cho các loại mĩ phẩm dưỡng ẩm có độ mượt và cung cấp nhiều ẩm cho da. Tuy vậy, Propylene glycol lại rất dễ gây kích ứng cho làn da, vậy nên tốt nhất bạn hãy thử sử dụng những loại dưỡng ẩm tự nhiên như dầu dừa, glycerin…

Sản phẩm chứa Retin A

Tuy Retin A có khả năng làm dịu mụn bọc và làm trẻ hóa da, nhưng chúng cũng có thể gây dị ứng rất kinh khủng. Thế nên, tốt nhất là hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn thật sự cần chúng để chữa trị cho làn da của mình.

Keo xịt tóc

Để thay thế cho các loại xịt khoáng nhằm giúp giữ lớp make-up lâu trôi, một số người thường dùng keo xịt tóc. Tuy nhiên, nếu làm vậy lâu dài, da bạn sẽ bị kích ứng và nổi nhiều vết đỏ, tệ hơn, chúng còn khiến cho da khô và nhăn nheo lại.

Sở hữu làn da mặt đẹp sẽ khiến cho chúng ta trở nên ưa nhìn hơn, và đối với những cô nàng không sở hữu gương mặt xinh xắn thì làn da trắng mịn cũng sẽ là một điểm cộng về ngoại hình.Thế nên, hãy học theo các chuyên gia >trang điểm, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng mỹ phẩm để không phải nói “giá như”, bạn nhé!

Theo Huynh Ha/Bestie/Thể thao và Văn hóa