Không đảm bảo sức khỏe cho lớp màng ẩm, làn da của bạn sẽ không thể đạt đến độ mịn màng, căng mướt.
Đọc đến hàng trăm bí kíp skincare, hẳn là chị em không còn thấy xa lạ với nguyên tắc: không được làm tổn thương lớp màng ẩm bởi nếu điều này xảy ra, làn da sẽ trở nên nhạy cảm, yếu ớt và xấu đi bội phần. Nghe đến nhàm tai nhưng liệu chị em có biết lớp màng ẩm thực chất là gì? Làn da sẽ lãnh hậu quả ra sao nếu lớp màng này không duy trì được trạng thái khỏe mạnh? Và dấu hiệu nhận biết khi lớp màng ẩm bị tổn thương? Hãy cùng tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia nhé!
1. Lớp màng ẩm bảo vệ da là gì?
Theo bác sĩ da liễu Kenneth Mark tại New York: "Nhiệm vụ của lớp màng ẩm thể hiện rõ trong tên gọi, nó sẽ giúp níu giữ độ ẩm cho làn da, đặc biệt là nước".
Bác sĩ Anna Guanche tại Los Angeles thì giải thích một cách cụ thể hơn: "Lớp màng bảo vệ da bao gồm phần biểu bì và tầng da ngoài cùng, kiên cố nhất có tên là thượng bì". Bác sĩ bổ sung thêm: "Thượng bì được củng cố bằng một mạng lưới liên kết các tế bào cùng những tuyến bã nhờn chứa lipid. Phần thượng bì cũng chứa cả tế bào chết nữa".
2. Làn da của bạn sẽ ra sao nếu lớp màng ẩm bị tổn thương?
Hiểu một cách khái quát, lớp màng này sẽ giữ những thứ tốt đẹp cho làn da ở bên trong và ngăn không cho những thứ có hại xâm nhập vào làn da. Cụ thể, lớp màng sẽ giữ nước và chất điện li để làn da của bạn luôn trọng trạng thái mịn màng, căng mọng. Cùng lúc đó, nó sẽ bảo vệ làn da khỏi nguy cơ thất thoát độ ẩm, cũng như ngăn chặn tình trạng kích ứng do yếu tố ngoại cảnh.
Vậy suy ra, làn da của bạn sẽ trở nên khô héo, kém mịn màng, thậm chí là kích ứng khi lớp màng ẩm bị tổn thương.
3. Dấu hiệu nhận biết lớp màng ẩm đang bất ổn
Bạn có thể biết được lúc nào lớp màng ẩm đang "kêu cứu", chỉ bằng cách tập trung chú ý đến những dấu hiệu như: "Làn da thô ráp, bong tróc, khô căng về cả cảm giác lẫn phần nhìn. Làn da trở nên xỉn màu, hoặc mẩn đỏ, ngứa ngáy thậm chí là bỏng rát...", theo bác sĩ da liễu Mark.
Nguyên nhân khiến lớp màng ẩm bị tổn thương bao gồm: Không uống đủ nước hoặc uống quá nhiều rượu bia, cà phê; do các yếu tố có hại từ môi trường như nắng, gió, không khí ô nhiễm; hoặc bạn có thể làm tổn thương lớp màng ẩm chỉ vì không bôi đủ kem dưỡng ẩm cho làn da; cuối cùng, tẩy da chết hay rửa mặt với sản phẩm có tính tẩy rửa quá mạnh, chà xát quá thô bạo cũng khiến lớp màng ẩm phải khóc thét.
4. Làm thế nào để cứu lớp màng ẩm đang bị tổn thương?
May mắn là, hầu hết những sản phẩm với lời hứa hẹn "sửa chữa lớp màng ẩm cho làn da" đều thực sự hoàn thành được nhiệm vụ này. Bác sĩ Mark khuyên bạn nên bổ sung độ ẩm cho da từ bên trong lẫn bên ngoài; tức là bạn cần uống đủ nước và chọn đúng sản phẩm skincare: "Hãy dùng những sản phẩm chứa thành phần hút ẩm như: HA, lactic acid, chúng sẽ lấy độ ẩm từ không khí và cung cấp dồi dào cho làn da của bạn". Bên cạnh đó, thao tác nhẹ nhàng khi làm sạch, >chăm sóc da, dùng sản phẩm tẩy trang, sữa rửa mặt dịu nhẹ cũng như tẩy da chết với tần suất vừa phải (2 – 3 lần/tuần) sẽ giúp bạn duy trì một lớp màng ẩm khỏe mạnh.